“Ngập lụt tại thành thị là vậy, nhưng tại khu vực ĐBSCL, nguồn nước ngọt lại trở nên khan hiếm” - GS. Chung Hoàng Chương.

LTS- Xin giới thiệu cùng độc giả bài phỏng vấn GS. Chung Hoàng Chương về tình hình biển đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), những hệ quả bắt đầu cảm nhận được từ đầu 2016 và những cách tiếp cận chính sách lẫn chiến lược để đối phó.

GS. Chương nguyên là giáo sư đại học Tiểu bang California (Mỹ), hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM. Ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về dòng sông Mê Kông, thực hiện nhiều chuyến đi thực địa tại các địa phương dọc dòng sông, bắt đầu từ thượng nguồn Trung Quốc.

{keywords}

GS Chung Hoàng Chương. Ảnh: Hcmussh.edu.vn

Một báo cáo công bố mới đây của Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH)[1]. Chỉ trong thời gian từ cuối 2015 đến đầu 2016, thiệt hại đã lên đến 4.700 tỷ đồng. Giáo sư đánh giá thế nào về tác động của BĐKH tại khu vực này?

Quan sát bản đồ từ một nghiên cứu đánh giá những vùng chịu ảnh hưởng nặng của BĐKH của nhóm chuyên gia Đan Mạch, Đức và Hà Lan, tôi thấy hai vùng bị ảnh hưởng nặng ngang nhau là ĐBS Hằng thuộc Bangladesh và ĐBSCL của Việt Nam.

Các trận mưa liên tiếp (ở TP. HCM – PV) trong thời gian gần đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy tác động của BĐKH. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa, nhiều cơ quan, xí nghiệp hoặc các tòa nhà phải sử dụng hệ thống hút nước, giao thông gián đoạn.  

Ngập lụt tại thành thị là vậy, nhưng tại khu vực ĐBSCL, nguồn nước ngọt lại trở nên khan hiếm. Trước đây, nguồn nước rất dồi dào và người dân không quan tâm nhiều đến vấn đề thiếu hụt nguồn nước ngọt cho nông nghiệp.

Trong chuyến đi thực tế gần đây ở tỉnh Bến Tre, tôi thấy những vườn bưởi bị ngập mặn. Để cứu vườn bưởi, người nông dân phải mua xe nước 5m3 để pha loãng độ mặn, với giá khoảng 600 ngàn/ xe. Họ phải mua từ 5 - 6 xe, do đó, lợi nhuận của người nông dân trồng bưởi bị thiệt hại đáng kể.

Không chỉ vậy, chúng ta buộc phải ứng phó với BĐKH. Nghiên cứu cho thấy, đến năm 2050, mực nước sẽ cao lên 1m, trong khi ĐBSCL chỉ cao 1m6 so với mực nước biển, do đó sẽ mất đi 40% đất ở những vùng sát biển.

Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, thưa giáo sư?

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia nước ngoài mà tôi đã đề cập chỉ ra ba nguyên nhân chính. Thứ nhất là thiếu hụt nguồn nước, vốn là hệ quả một phần từ các hệ thống đập thủy điện đang được phát triển tại các quốc gia láng giềng. Đơn cử là Đập Hạ Sê San II lấy nước từ con sông Srepok của Việt Nam, do con sông này đổ ra lãnh thổ của Campuchia và hòa dòng vào sông Mê Kông. Campuchia dùng lưu vực nước của Việt Nam để vận hành tua bin của họ. Trung Quốc muốn triển khai đập này nên đã gây áp lực nhiều cho phía Campuchia.

Sau dự án này sẽ là dự án đập Sambor. Nếu Campuchia vừa chặn nước của Biển Hồ vừa chặn ở Sambo để làm thủy điện nữa thì ĐBSCL sẽ thiếu nước ngọt trầm trọng.

Nguyên nhân thứ hai là tình trạng hạn mặn do phân bón. Hiện nay, tại khu vực này, chúng ta đang sở hữu 13.000 km đê điều, vốn được tạo nên để phục vụ cho việc trồng lúa. Ưu điểm là nó có thể giúp cho các vụ lúa sống sót qua những trận lũ lớn. Tuy nhiên, cũng chính hệ thống đê bao khổng lồ này đã làm biến dạng hệ thống kênh rạch, chặn hết lượng nước có khả năng rửa trôi lượng phân bón người nông dân dùng trong nông nghiệp. Lượng phân này thâm nhập vào đất và làm biến đổi chất lượng của đất, gây ảnh hưởng đến chất lượng đất.

Nguyên nhân thứ ba chính là do hoạt động sản xuất của người dân. Lấy ví dụ, nuôi tôm trong thời gian đầu đem lại năng suất rất cao, trung bình 1 hecta nuôi tôm thu về mấy trăm triệu một năm. Do đó, người dân kéo nhau chuyển sang nuôi tôm, nhưng chuyển đổi cơ cấu do lợi nhuận trước mắt một cách tự phát, không có kế hoạch tổng thể chi tiết và khoa học.

Từ đó, vấn đề môi trường trong nuôi tôm, đặc biệt là nguồn nước đang ảnh hưởng rất nhiều đến người nuôi tôm. Khi có một ao tôm bị chết người dân phải tháo nước mà không có chỗ thoát nên họ phải thoát ra sông làm ô nhiễm nguồn nước nuôi tôm của cả một khu vực. Những hộ kế cận nếu đưa nguồn nước đó vào lại ao nuôi của mình thì sẽ mang theo mầm bệnh. Do đó, nếu không có những biện pháp để thích ứng lại sự cố đó các hộ nuôi tôm đều chịu thiệt hại.

{keywords}

Năm nay miền Tây “khát lũ” Trong ảnh: nhân công làm thuê mòn mỏi ngồi chờ cá linh về. Ảnh: Tuổi trẻ

Phải chăng chúng ta đang có những chính sách chưa được sát với thực tế?

Thật vậy. Trong hai mươi năm qua, chủ trương của nhà nước có đặt nặng vấn đề sản xuất lúa, với mong muốn có thể ngang hàng hoặc hơn Thái Lan. Sau chiến tranh, Việt Nam đã cố gắng cạnh tranh với Thái Lan với các giống lúa Thần Nông.

Tuy nhiên khi mình soi chiếu lại thì loại lúa này cũng không thể ngang hàng với những loại gạo rất ngon của nước bạn. Thái Lan có thể không cần đứng số một về sản lượng xuất khẩu, nhưng với những giống lúa xuất khẩu như Ba cô gái, Con chim phượng,.. thì nước này thu được nhiều ngoại tệ hơn.

Trong khi đó, loại lúa của Việt Nam, dù vượt trội về sản lượng xuất khẩu nhưng lại không mang lợi nhuận cao. Bởi lẽ, lượng lúa này chủ yếu xuất đi châu Phi hay những nước nghèo, chứ không được nhập vào những thị trường khắt khe hơn. Ngược lại, những giống lúa như Nàng hương, Nàng thơm,… vốn được đánh giá cao tại thị trường quốc tế lại không được chú trọng sản xuất.

Có thể thấy rằng, ảnh hưởng của BĐKH tại ĐBSCL là vấn đề cấp bách. Nhưng dường như, những kết quả nghiên cứu chưa đến được rộng rãi người dân. Cũng như, tiếng nói của người dân, những người đang trực tiếp đối mặt với điều này, chưa được đánh giá đúng mức. Phải chăng mối liên kết giữa các nhà khoa học và người dân vẫn còn lỏng lẻo?

Thật vậy. Hiện tại, những nhà khoa học ở nước ta liên quan đến vấn đề này không ít. Nhưng, vai trò hiện tại của họ vẫn là giảng dạy và thực hiện những mô hình khả thi trong khu vực. Họ là những người có tiếng nói trọng lượng và chúng ta cần phải tìm ra giải pháp để tiếng nói đó đến với người dân.

Đây là điều rất quan trọng. Bởi lẽ, từ đời này qua đời nọ, người dân sống phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên giàu có ở khu vực ĐBSCL. Lắng nghe họ, đồng thời tuyên truyền, giáo dục họ thay đổi tư duy ít phụ thuộc vào tự nhiên và ứng phó với BĐKH là một hướng đi cần được thực hiện. Bởi lẽ, thật ra, chỉ bằng sản lượng lúa phân nửa hiện tại, chúng ta đã có thể giải quyết vấn đề an ninh lương thực.

(Còn tiếp)

Thụy Điển – Bữu Phan (thực hiện)

 

[1] Ngày 26/9, tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu và quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).