Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,4% trong nửa đầu năm 2024, sau khi đạt mức tích cực 5,1% vào năm 2023. Sự phục hồi của kinh tế thế giới và các giải pháp hữu hiệu cho thị trường bất động sản trong nước sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam mà Fitch dự đoán sẽ dao động quanh mức 7% trong trung hạn. Đây cũng được coi là điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngành ngân hàng.
Theo Fitch, điểm chất lượng tài sản của Sacombank được đánh giá là ‘b+'/ổn định. Điểm huy động và thanh khoản là ‘bb-‘/ổn định. Cơ cấu danh mục cho vay được mở rộng về phục vụ sản xuất kinh doanh và kích thích tiêu dùng nên điểm số cho danh mục rủi ro là ‘b+’/ổn định.
Vốn chủ sở hữu và khả năng sinh lời của Sacombank được đánh giá là sẽ có cải thiện đáng kể trong những năm tới khi ngân hàng hoàn tất tái cơ cấu và gia tăng các hoạt động kinh doanh lõi.
Đại diện Sacombank cho biết, sau hơn 7 năm triển khai đề án tái cơ cấu, ngân hàng này đã xử lý dứt điểm phần lớn các vấn đề tồn tại và cơ bản hoàn thành các mục tiêu trọng yếu. Ngân hàng đã thu hồi, xử lý hơn 80% nợ xấu và tài sản tồn đọng; trích lập đầy đủ dự phòng theo đúng quy định, trong đó trích 100% dự phòng cho các khoản nợ bán VAMC chưa xử lý.
Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của Sacombank cũng được cải thiện với tỷ trọng của tài sản có sinh lời trong tổng tài sản đã được nâng lên mức hơn 91%; quy mô kinh doanh liên tục được đẩy mạnh, tăng bình quân 10 - 13%/năm; chuyển đổi số được tăng tốc nhằm gia tăng năng lực quản trị và phát triển sản phẩm dịch vụ đa tiện ích, đáp ứng nhu cầu ngân hàng số của khách hàng; lợi nhuận tăng 62 lần từ 156 tỷ đồng vào năm 2016 lên 9.595 tỷ đồng vào năm 2023.
Thế Định