Trung Quốc đang đẩy cao áp lực nhằm phản ứng lại trước quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc áp thuế cao hơn với 200 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc và đưa một số doanh nghiệp công nghệ vào danh sách đen, trong đó có Tập đoàn công nghệ Huawei, theo Bloomberg.

{keywords}
Nội dung sách trắng nói về lập trường của Trung Quốc trong thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: SCMP

Và dù sách trắng về thương mại được công bố trong hôm Chủ Nhật 2/6 với những tính toán cẩn trọng của phía Trung Quốc về vị thế lẫn ngôn từ được sử dụng, trong đó có yêu cầu rằng Mỹ cần phải loại bỏ tất cả các chính sách thuế đã áp dụng với Trung Quốc, nhưng cũng cần phải kể đến việc tài liệu này mang đến cho công chúng nhiều góc nhìn thú vị về Trung Quốc. Dưới đây là một số điểm quan trọng nhất:

Mỹ phá vỡ thỏa thuận

Sách trắng cho biết, quyết định tăng thuế với khoảng 200 tỷ USD nhằm vào hàng hóa Trung Quốc vào hôm 10/5 có thể coi như động thái phá vỡ thỏa thuận giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình:

“Những hành động trên đã đi ngược lại thỏa thuận mà người đứng đầu hai nước đã đạt được nhằm giảm sự căng thẳng thông qua đối thoại, và đi ngược lại kỳ vọng của người dân trên toàn thế giới, đồng thời phủ bóng đen lên các hoạt động đối thoại kinh tế thương mại song phương cũng như sự tăng trưởng của kinh tế thế giới”, trích sách trắng thương mại.

Mỹ đã lùi bước, không phải Trung Quốc

Tài liệu này khẳng định rằng chính Mỹ đã phá vỡ cam kết trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung chứ Trung Quốc không hề làm gì sai cả.

“Cáo buộc của chính phủ Mỹ trong việc Trung Quốc phá vỡ cam kết hoàn toàn thiếu căn cứ. Thật thiếu trách nhiệm khi buộc tội Trung Quốc như vậy trong khi các cuộc đối thoại vẫn đang tiếp tục diễn ra”, sách trắng viết.

Một nước Mỹ tham lam

“Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2019, các nhóm làm việc của hai nước đã tổ chức 3 vòng đối thoại cấp cao và có nhiều bước tiến triển. Sau nhiều vòng đàm phán, hai nước đã thống nhất được về phần lớn các vấn đề. Xét đến những vấn đề còn tồn tại, chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi sự thấu hiểu lẫn nhau, cũng như tìm ra các giải pháp thỏa hiệp. Thế nhưng, phía Mỹ lại càng muốn nhiều hơn. Với sự đe dọa và ép buộc, phía Mỹ đưa ra các đòi hỏi ghê gớm, vẫn duy trì các chính sách thuế quan đã đưa ra từ lúc xung đột thương mại bắt đầu, thậm chí còn gây tổn hại đến chủ quyền của Trung Quốc, như vậy chỉ làm trì hoãn việc giải quyết các bất đồng còn tồn tại”.

Ranh giới đỏ

“Một bên không nên vượt qua ranh giới đỏ của bên kia. Cả Trung Quốc và Mỹ nên nhìn nhận và thừa nhận khác biệt của bên kia về việc phát triển đất nước, các giai đoạn phát triển và tôn trọng sự khác biệt ấy cũng như tôn trọng đường lối phát triển riêng, cũng như các tổ chức nền tảng. Quyền được phát triển không thể loại bỏ và chủ quyền cũng không thể bị tổn hại”, sách trắng viết.

Những tiến bộ đáng kể

Trong khi chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho đối thủ Trung Quốc để đổi lấy quyền thâm nhập thị trường, phía Trung Quốc lại nhìn nhận mọi chuyện theo chiều hướng khác:

“Phía Mỹ đã không muốn thừa nhận những nỗ lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ bản quyền trí tuệ và cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài, phía Mỹ có nhiều cách nhìn tiêu cực, và áp thuế cao cũng như hạn chế đầu tư với Trung Quốc, do vậy đã tạo ra xung đột về kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia”, sách trắng viết.

Thực thi thỏa thuận

Một mối quan tâm chính của phía Mỹ là làm thế nào một thỏa thuận được thực thi, đặc biệt trong trường hợp nếu các thuế quan hiện nay được gỡ bỏ, như phía Trung Quốc yêu cầu. Tín hiệu của Trung Quốc là không có gì phải lo lắng:

“11 vòng đàm phán cấp cao đã đạt được những tiến bộ đáng kể… Phía Trung Quốc đã giữ lời hứa của mình trong các cuộc đàm phán. Trung Quốc đã nhấn mạnh nhiều lần rằng nếu thỏa thuận thương mại được ký kết, nước này sẽ tôn trọng các cam kết của mình một cách chân thành”.

Nhiều sự diễn giải khác nhau về sách trắng

Nhiều nhà kinh tế và cựu quan chức có sự lý giải về sách trắng khác nhau, theo Bloomberg.

“Thông điệp chính ở đây là, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để tìm ra các giải pháp. Họ sẵn sàng làm mọi cách để trì hoãn một cuộc xung đột tiềm tàng giữa hai nước”, ông Ding Shuang, người đứng đầu Bộ phận kinh tế Trung Quốc và Bắc Á thuộc Ngân hàng Standard Chartered có trụ sở tại Hồng Kông cho biết.

“Sách trắng là một sự báo hiệu rằng, bế tắc trong thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ còn kéo dài”, ông Zhou Xiaoming, cựu quan chức bộ thương mại và nhà ngoại giao nói. “Đừng mong Trung Quốc sẽ chủ động nối lại các cuộc đàm phán. Trước khi Washington nhượng bộ trong các vấn đề chính, thậm chí ngay cả khi họ muốn nối lại các cuộc đàm phán, phía Bắc Kinh cũng có thể không phản hồi”.

Tuấn Trần