Top 10 cuốn sách nổi bật năm 2024 được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vinh danh bao gồm:
Trường ca Lũ của nhà thơ Lữ Mai (Công ty sách điện tử Waka phát hành) mang thông điệp mạnh mẽ về tình yêu thương, sự sẻ chia, trách nhiệm đối với thiên nhiên và cộng đồng. Đây là một dự án văn học đặc biệt, hướng tới hỗ trợ trẻ em vùng cao vượt qua mất mát sau thiên tai và tiếp tục con đường học vấn.
Tác phẩm là câu chuyện được kể qua linh hồn của một em bé xấu số bị lũ cuốn trôi, đưa độc giả qua những hình ảnh đau thương nhưng cũng ngập tràn hy vọng. Tác phẩm không chỉ tái hiện sự khốc liệt của thiên tai mà còn phơi bày hậu quả đau lòng của nạn phá rừng, khai thác thiên nhiên bừa bãi. Đồng thời, khơi gợi lòng nhân ái, sự đoàn kết và tinh thần sẻ chia của con người.
Tác phẩm Theo dấu chân Người của GS.TS Trình Quang Phú dày gần 600 trang, kể về hành trình 30 năm, từ chàng trai Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng (ngày 5/6/1911) bôn ba 5 châu 4 bể, tìm hiểu phong trào đấu tranh, con đường cách mạng ở nhiều nước như Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc… rồi về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/1/1941).
Tác giả đã đi đến những nơi Bác Hồ từng ở và tiến hành sưu tập, ghi chép, đối chiếu để viết các câu chuyện dưới góc nhìn mới, truyền tải sinh động về cuộc sống, sự nghiệp của Bác những năm tháng ở nước ngoài.
Tác phẩm Trên đỉnh giời của nhà văn Y Ban gồm các câu chuyện tràn ngập tiếng cười với nhiều tình huống trớ trêu của phận người, nhưng ở giữa những tiếng cười đấy cũng là khoảng lặng gai góc. Tình huống tưởng chừng hài hước nhưng lại khốn quẫn nan giải; tình thế ngặt nghèo lại nhẹ bẫng vô lo.
Với cốt truyện kỳ lạ, kỹ thuật biểu tượng, ý nghĩa ngụ ngôn, cùng lối viết tự do, bút pháp sáng tạo, Y Ban đã khéo léo đưa người đọc đến với những câu chuyện đời độc đáo, những chứng nhân của quá trình phát triển xã hội, đến với nỗi đau tinh thần của con người hiện đại...
Tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái của nhà văn Phạm Thị Bích Thuỷ, kể về quá trình bi kịch hóa của một gia đình, vốn vô cùng tốt đẹp từ cái tên của mỗi thành viên, nhưng sâu thẳm cũng có những thói xấu, tệ nạn và cả sự ghen ghét, mâu thuẫn.
"Bốn chị em gái đại diện cho bốn cách nhìn khác nhau về thế giới. Càng đọc càng thấy sự kinh hoàng trong đời sống. Là một độc giả, tôi thấy chính mình từng đi qua những cung bậc cảm xúc đó. Tác phẩm như vừa đe dọa, vừa cảnh báo chúng ta sống tốt hơn...", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhận xét.
Tiểu thuyết Nhặt bóng người của nhà văn Vũ Thanh Lịch xoay quanh Trai, một người làm khảo cổ trăn trở với nghề. Anh lạc lõng giữa đồng nghiệp trong cơ quan, thậm chí xung khắc với họ, xa cách với cả nếp nghĩ của thủ trưởng. Điều đó dẫn đến việc anh tự coi mình đã nghỉ việc, rồi tự ý quay trở lại làng Hạ Điền để cố gắng khai quật một di chỉ bỏ dở từ nhiều năm trước.
Người khảo cổ lầm lũi đi trong cảnh tối tăm và mưa gió, bên dòng sông gầm gào và những hố di chỉ đầy bùn đất ven sông. Người bị vây bọc giữa thói đời bề bộn mài mòn cảm xúc đi tìm nhặt lại bóng người từ những viên gạch cổ và vật dụng gốm tinh xảo... Nhặt bóng người cũng chính là “nhặt bóng đời”, "nhặt bóng mình"...
Tác phẩm Dấu chân Bộ đội Cụ Hồ của nhà văn Hạnh Đỗ là một hành trình dài, nơi những người lính bình dị đã đi, đã đến và để lại những dấu chân.
Bắt đầu từ nhà tù Hỏa Lò, qua suối lũ Trường Sơn, trên đường phố Sài Gòn những năm sau Mậu Thân ác liệt, qua những cột mốc biên giới vẫn còn vương khói súng của chiến tranh, cho đến khi hòa bình lập lại, những quân nhân vẫn tiếp bước cha ông xây dựng và bảo vệ đất nước. Dấu chân của họ đi qua Trường Sa, Hoàng Sa, qua biên giới Lào, Campuchia rồi vươn xa đến tận Nam Sudan… Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, thời chiến hay thời bình, những người lính Cụ Hồ cũng giống nhau ở tinh thần cống hiến: "Người ta không thể chọn để được sinh ra/ Nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng, phút giây, năm tháng ấy”.
Tác phẩm Phía đông vườn địa đàng của tác giả John Steinbeck (dịch giả: Phạm Văn) kể câu chuyện của ba thế hệ trong hai gia đình Hamilton và Trask, trải dài từ cuộc nội chiến Mỹ giữa thế kỷ 19 đến Thế chiến I đầu thế kỷ 20, đưa người đọc đi từ Ireland và một làng nhỏ ở bang Connecticut bên bờ Đông nước Mỹ, rồi hội tụ vào thung lũng Salinas, California, quê hương của tác giả.
Steinbeck nói "tác phẩm chứa đựng mọi thứ tôi có thể học được về nghề viết văn”. Ông đan chéo giọng văn tươi sáng với tối tăm, mỉa mai với chân thành, nghiêm trang với giễu nhại, để tạo ra một chuỗi biểu tượng và nhân vật đa dạng, vừa phức tạp vừa cường điệu đến mức khó tin và ám ảnh nhất trong sự nghiệp.
Tác phẩm Hải âu đi tìm cha của nhà văn Trần Thu Hằng là hành trình đầy cảm hứng tự do và chan chứa yêu thương.
Hai chú hải âu bé nhỏ Len và Lin thật may mắn khi được lên tàu cùng các anh chiến sĩ hải quân và đoàn đại biểu ra thăm Trường Sa. Chuyến đi khám phá biển đảo của hai chú chim non cũng là hành trình tìm kiếm người cha thất lạc từ lâu.
Đọc tác phẩm, độc giả cảm nhận, thay đổi để trưởng thành, và được sống những tháng ngày tươi đẹp giữa biển trời bao la của đất nước.
Thư cho em: Chuyện tình tướng Hoàng Đan và vợ qua lời kể con trai của tác giả Hoàng Nam Tiến, kể về mối tình vượt qua hai thế kỷ của thiếu tướng Hoàng Đan và vợ là đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh. Thương nhau từ thuở đôi mươi, nên duyên vợ chồng, họ cùng nhau đi qua những mốc lịch sử lớn lao của dân tộc: Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Khe Sanh 1968, Quảng Trị 1972, Sài Gòn 1975, biên giới phía Bắc 1979 và 1984.
Vị tướng trận đi khắp các chiến trường ác liệt, người vợ ở nhà nuôi con và phấn đấu sự nghiệp, thời gian ở bên nhau ít ỏi vô cùng. Vì thế họ gửi gắm tâm tình qua những lá thư băng qua bom đạn, vượt biên giới. Những lá thư trở thành sợi dây buộc chặt tình yêu của hai con người.
Hồi ký Nhớ và ghi lại của tác giả - Anh hùng Hồ Đắc Thạnh là ký ức không thể nào quên trên những hành trình sinh tử của một thuyền trưởng tàu Không số.
Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh đã chọn những thời điểm, sự kiện, chi tiết quan trọng nhất để nhớ và ghi lại, không dông dài. Tác giả luôn đặt mình lẫn trong đồng đội, đặt những chiến công cá nhân lẫn trong chiến công của những con tàu Không số.
Ảnh: Tư liệu