{keywords}
 

Phân quyền toàn bộ

Sau khi xem xét kỹ cơ cấu và hệ thống kinh tế của Nhật Bản, nghiên cứu kỹ lưỡng các nền kinh tế khác trên thế giới, xem xét những kết quả tích cực của những nỗ lực cải cách tại địa phương và phân tích cách thức Nhật Bản phục hồi trong quá khứ, Ủy ban Tái thiết đã đưa ra một kết luận cơ bản. Đó là vấn đề ở Nhật Bản về cơ bản không phải là kinh tế; mà thay vào đó là chính trị. Vấn đề quan trọng nhất mà đất nước này phải đối mặt chính là quản trị. Khi chuyển sang tự quản trị, người dân Nhật Bản đã thực hiện được những điều tuyệt vời, sáng tạo và hiệu quả.

Nhưng khi bị kiểm soát chặt chẽ bởi một tầng lớp ưu tú quản trị ở trung ương, họ không thể hoạt động hết công suất và phát huy hết tiềm năng to lớn của mình. Đối với Nhật Bản, để nhận ra được rằng tiềm năng trong tương lai sẽ đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ từ cơ cấu chính trị tập trung hiện nay sang một hệ thống phân cấp. Do vậy, những khuyến nghị cuối cùng của Ủy ban Tái thiết vào năm 2016 đã dẫn đến việc tái cơ cấu bản đồ của Nhật Bản.

Thay vì 47 tỉnh, thành phố như trước đó, thì giờ đây 15 vùng lớn đã được tổ chức tương tự như các tiểu bang của Hoa Kỳ hoặc các bang của Đức. Giống như các tỉnh, thành phố cũ, mỗi vùng có một cơ quan lập pháp và một thống đốc. Nhưng quyền lực mở rộng của các cơ quan này đã khiến cho họ gần như hoàn toàn tự trị ngoại trừ lĩnh vực quốc phòng, ngoại giao và ngân hàng trung ương. Có lẽ điều quan trọng nhất là thực tế là các bang mới tự chủ về tài chính. Họ có quyền mượn và phát hành trái phiếu, nhưng cũng có khả năng tích quá nhiều nợ và rơi vào tình trạng phá sản. Chính quyền trung ương chia sẻ quyền hạn của mình và chỉ có thể can thiệp vào các bang này trong những trường hợp rất hạn chế.

....

Các bang mới tất nhiên đã “thừa hưởng” quyền đánh thuế của quốc gia bao gồm thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp. Một kết quả của điều này là giảm đáng kể thuế doanh nghiệp khi các bang cố gắng thu hút đầu tư của các công ty mới. Hệ thống tuyển dụng công chức cũ trên toàn quốc đã bị bãi bỏ và mỗi bang mới đều có một kỳ thi công chức riêng và tự quyết định những điều khoản công việc của công chức sẽ ở trong khu vực của mình.

Các bang mới cạnh tranh với nhau về các chính sách và quy trình kinh tế và có quyền mở mới và mở rộng các khu vực thương mại tự do theo ý họ. Bằng cách này, sức mạnh của các khu vực này đã được tăng lên đáng kể và tiềm năng của công dân đã được “giải phóng”, trong khi đó quyền lực của chính quyền trung ương và Tokyo nhằm độc chiếm tài năng và nghiền nát những ý tưởng mới và người mới đã được giảm thiểu, mặc dù các lĩnh vực an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại vẫn là độc quyền của chính quyền trung ương.

Các thành viên Ủy ban Tái thiết đã tranh luận rất lâu và gay gắt với nhau trước khi áp dụng các chính sách phân quyền đưa tới sự tiến triển đầy kịch tính này. Những thành viên Ủy ban Tái thiết lần đầu tiên đề nghị làm như vậy là có một vài lý do mạnh mẽ cho quan điểm của họ. Thứ nhất, họ ghi nhận rằng tính cạnh tranh làm tăng sự đổi mới sáng tạo, tính hiệu quả và năng suất. Sự tập trung của chính phủ, doanh nghiệp hoặc bất cứ tổ chức nào khác có xu hướng tạo ra tính đồng nhất, lãng phí, không hiệu quả và trì trệ.

Việc chống lại xu hướng này trong kinh doanh là lý do cho sự tồn tại của Ủy ban Thương mại không gian lận, giống như sự tồn tại của Luật chống độc quyền của Hoa Kỳ và Ủy ban Cạnh tranh của Liên minh châu Âu. Trong cùng một cách, và vì những lý do tương tự, cần có sự cạnh tranh trong quản trị. Sự cạnh tranh như vậy sẽ làm tăng những thử nghiệm sáng tạo, thu hút đầu tư và nhiều cư dân hơn, tăng khả năng cạnh tranh cả ở khu vực và trong nước. Nó sẽ giúp cho Nhật Bản trở nên giàu có và hùng mạnh hơn nhờ thực hiện đầy đủ tiềm năng và ý tưởng của mình, sẽ tăng phúc lợi cho người dân trong khi nâng cao khả năng của quốc gia để đối phó với những thách thức kinh tế và chính trị từ nước ngoài như những gì được Trung Quốc đặt ra.

Những người ủng hộ lập luận rằng sự tập trung quyền lực và hoạt động ở Tokyo không chỉ là một nguyên nhân chính gây trì trệ nền kinh tế mà còn là một mối nguy cho an ninh quốc gia. Hoa Kỳ có một số trung tâm quyền lực lớn như Washington, New York, Chicago và những trung tâm khác. Trung Quốc có Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Nhưng nếu Tokyo bị tàn phá bởi một tai hoạ hạt nhân như vụ tan chảy lõi hạt nhân ở Fukushima, một trận động đất hoặc bão lớn, hay một cuộc tấn công tên lửa, thì cả nước này sẽ bị loại khỏi cuộc chiến.

Điểm thứ ba là nếu Tokyo tiếp tục thu hút phần lớn những tài năng và của cải trong nước, thì phần còn lại của đất nước sẽ bị bỏ lại như một khu vực nghèo nàn, cằn cỗi, sống đời sống nghèo nàn dựa vào trợ cấp. Điều này đã dẫn đến cuộc tranh luận cuối cùng ủng hộ đề xuất này, đó là sự thay đổi ở Nhật Bản luôn đến từ bên ngoài trung tâm Tokyo. Những thay đổi hiện đại hóa của giai đoạn phục hưng vào cuối thế kỷ XIX xuất phát do sức ép bên ngoài từ Hoa Kỳ và từ các tỉnh Satsuma và Choshu của Nhật Bản, nằm cách xa Tokyo, và từ lâu đã có thể duy trì mức độ độc lập cao với chính quyền trung ương. Sự thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai và với quân Đồng minh sau đó đã một lần nữa tạo áp lực bên ngoài, mở ra xã hội thay đổi và cải cách cơ cấu, mang lại những điều kỳ diệu cho nền kinh tế trong những năm 1960.

Đổi mới ở Nhật Bản thường xuất phát từ yếu tố bên ngoài, bởi những người không được sinh ra hoặc không được hưởng nền giáo dục ở Tokyo. Do đó, có rất nhiều động lực tiềm năng trong những khu vực này, và đó là một thất bại rất lớn khi chính phủ trung ương là nguyên nhân của tình trạng bế tắc và cản trở này. Hơn nữa, do kết cấu hạ tầng thông tin liên lạc và giao thông vận tải nổi tiếng của Nhật Bản, nên thực sự không cần thiết phải có hầu hết tài năng của đất nước và hầu như tất cả các văn phòng chính phủ và trụ sở các công ty ở Tokyo.

Mọi người có thể dễ dàng đến Tokyo nếu cần thiết, nhưng không có lý do gì để lúc nào cũng phải ở đó. Như vậy, những người ủng hộ việc phân quyền đã kết luận rằng, việc để cho các khu vực này đình trệ cuối cùng sẽ gây ra sự lụi tàn của Nhật Bản. Những người ban đầu do dự về phân quyền đã làm dấy lên một số lo ngại. Họ lo ngại rằng kiểu quản lý mang tính khu vực mạnh như vậy có thể khiến cho một số vùng trở nên giàu có trong khi những khu vực khác lại nghèo đói hơn. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo có thể trở nên lớn hơn, và họ lo ngại rằng điều này sẽ nguy hiểm cho một quốc gia mà từ lâu đã lý tưởng hóa sự bình đẳng về kinh tế của công dân.

Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của họ là vấn đề về thời gian và điều kiện hơn là nguyên tắc. Họ cảm thấy rõ thách thức của Trung Quốc và sự cần thiết để Nhật Bản có được một nền kinh tế mạnh để đối phó với thách thức này. Vào thời điểm đó, Nhật Bản vẫn đang phải chịu ảnh hưởng từ sức cạnh tranh yếu và những yếu kém khác của nền kinh tế. Nó cần khôi phục đà phát triển kinh tế mạnh mẽ trước khi thực hiện việc thay đổi cơ bản trong cơ cấu quản trị của mình, những vấn đề chưa được quyết định. Họ lập luận rằng, có lẽ, trong 10 hoặc 15 năm, các điều kiện sẽ thuận lợi hơn.

....

Bằng cách cho phép người dân hoàn toàn tự tổ chức công việc, cuộc sống của họ và không nhất thiết chỉ đạo mọi thứ từ trung tâm, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã đạt được nhiều hơn những gì họ mong đợi. Hóa ra lãnh đạo ít hơn thực ra là kết quả có được nhiều hơn. Do đó, thực sự là người dân Nhật Bản, những người đã mang lại cuộc tái thiết thứ ba của nước Nhật trong nửa đầu của thế kỷ XXI, đến năm 2050, đã đưa Nhật Bản trở lại vị trí số một về mức sống, chất lượng cuộc sống và mối quan hệ hòa bình với những người hàng xóm.

...

Trích cuốn sách Chấn hưng Nhật Bản: làm cách nào Nhật Bản có thể tự tái thiết và tại sao điều này lại quan trọng với Hoa Kỳ và thế giới.

Tình Lê

Tư duy đột phá cho các lãnh đạo, doanh nghiệp

Tư duy đột phá cho các lãnh đạo, doanh nghiệp

Cuốn sách 'Tư duy đột phá' phiên bản 2020 là bản cập nhật nâng cao mới nhất, đã được kiểm định qua các trường hợp thực tế theo triết lý và cách tiếp cận của hai tác giả GS. Shozo Hibino và GS. Gerald Nadler.