Là xã vùng cao nằm cách trung tâm huyện 43km, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế, xã hội chậm phát triển.

Đầu những năm 90, vùng quê là thủ phủ của cây thuốc phiện, một số bộ phận người dân trong xã, người già, người trẻ đều nghiện thuốc phiện. Cùng với đó, các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, cái đói, cái nghèo đeo bám cuộc sống các gia đình ở Co Mạ khiến người dân Co Mạ có cuộc sống khốn khó.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, các đề án phát triển kinh tế của Trung ương, của tỉnh, huyện,.... Co Mạ đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, bộ mặt nông thôn của xã vùng cao đã dần đổi thay.

Trước đây, làm không đủ ăn, hủ tục lạc hậu bủa vây, bà con không có nhiều thời gian nuôi dưỡng tập tục truyền thống tốt đẹp,... Nhờ đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới nơi rẻo cao đã giúp cho đời sống văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao.

Cuối tháng 8 tới đây, tại xã Co Mạ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu tổ chức Tuần Văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại vùng cao huyện Thuận Châu năm 2024.

W-NTMcoma.png

Ban Tổ chức sẽ phục dựng trích đoạn nghi lễ "Cây thần thiêng" (Tri Tông Sếnh) của dân tộc Mông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu. Đây là nghi lễ có từ lâu đời và được duy trì phát huy đến ngày nay để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, chia sẻ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế; bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; giữ gìn và phát huy tinh hoa ẩm thực dân tộc; thực hiện tốt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của bản; thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân...

Ngoài ra còn có hoạt động "Phiên chợ vùng cao Co Mạ năm 2024" với quy mô 40 gian hàng; trong đó có 30 gian hàng thương mại tổng hợp của các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh; 6 gian trưng bày các sản phẩm nông sản, đặc sản của 6 xã vùng cao; 2 gian trưng bày các sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của huyện Thuận Châu; 1 gian trưng bày các hình ảnh về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của huyện và 1 gian trưng bày không gian văn hóa dân tộc Mông...

Trong khuôn khổ Tuần văn hóa cũng diễn ra các nội dung: Thi hái quả Sơn Tra (táo mèo), tạo hình quả và trưng bày các sản phẩm đặc trưng của các xã vùng cao; thi giã bánh dày; thi trình bày, giới thiệu ẩm thực dân tộc; tổ chức các hoạt động du lịch, tham quan danh lam, thắng cảnh, trải nghiệm du lịch văn hóa tại các xã vùng cao trên địa bàn huyện; không gian trưng bày ảnh đẹp để đông đảo du khách biết đến huyện Thuận Châu…

Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, Phó trưởng Ban Tổ chức Tuần văn hóa cho biết, hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; đồng thời, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thuận Châu đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Địa phương cũng có kế hoạch giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, nông sản, ẩm thực, sản phẩm OCOP, văn hóa, du lịch của huyện gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, động viên tinh thần nhân dân, tạo sự đoàn kết, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giữa các dân tộc trên địa bàn huyện.