Sạc không dây sẽ không chỉ là cuộc đua của các hãng sản xuất smartphone mà còn là cuộc đối đầu giữa các hãng ô tô.

{keywords}

Hầu hết các hãng điện thoại đều đã tung ra các phiên bản sạc không dây, coi đây như một ưu thế cạnh tranh về công nghệ. Chẳng hạn, gần đây nhất, bộ đôi smartphone cao cấp Galaxy S6 và Galaxy S6 Edge đều được tích hợp công nghệ sạc không dây nhằm lấn lướt iPhone 6 của Apple. Trước đó, Nokia cũng từng đưa công nghệ sạc không dây khi giới thiệu chiếc Lumia 920.

Rõ ràng, công nghệ sạc không dây dựa trên cảm ứng từ chứ không tiếp xúc trực tiếp giúp người dùng chỉ cần đặt thiết bị di động lên một bề mặt để sạc pin. Nhanh và vô cùng tiện lợi!

Chính vì vậy, ngay cả Hãng nội thất IKEA cũng tích hợp tính năng sạc không dây vào các dòng sản phẩm bàn cà phê hay đèn ngủ và bán rất chạy.

Hiện có 3 chuẩn sạc không dây chính đang được các hãng sản xuất thiết bị di động hỗ trợ: chuẩn Qi được hậu thuẫn bởi nhóm Wireless Charging Consortium (WCC) với các thành viên như Philips, Qualcomm và Nokia; chuẩn Rezence được hỗ trợ bởi nhóm Alliance for Wireless Power (A4WP) với hai thành viên đáng chú ý là Intel và Samsung; và chuẩn Powermat (PMA). Hai nhóm A4WP và PMA gần đây liên kết để cạnh tranh với nhóm WCC.

Nhiều thông tin cho thấy, sở dĩ Apple đứng ngoài cuộc chơi sạc không dây là để chờ đợi một công nghệ sạc chuẩn hơn cho các sản phẩm yêu cầu khắt khe của mình.

Theo Reuters, Apple sẽ triển khai công nghệ sạc không dây từ một khoảng cách xa. Hình dung đơn giản về công nghệ này là khi bạn bước chân vào phòng làm việc thì thiết bị di động sẽ được tự động sạc mà chẳng cần bất kỳ dây nối nào. Đối với mô hình này, Hãng WiTricity đã sử dụng chuẩn Rezence cho phép sạc các thiết bị cách xa trong khoảng cách vài cm đến nửa mét.

Trong khi đó, Intel đã gia nhập Tổ chức A4WP và chuẩn sạc không dây Rezence hiện đang được WiTricity hỗ trợ. Mới đây, Intel công bố thông tin về thế hệ máy tính PC hoàn toàn không cần dây vào năm 2016, sử dụng bộ vi xử lý Broadwell của Hãng với công nghệ kết nối không dây I/O tương tự như Wi-Fi và công nghệ sạc không dây.

Hai công nghệ chính mà những mẫu máy tính tương lai này được tích hợp sẽ bao gồm công nghệ WiGig để truyền tín hiệu video và đồ họa không dây, cùng với công nghệ sạc không dây cộng hưởng từ.

Sự lan tỏa của công nghệ không dây đã lấn sân sang thị trường ô tô. Toyota Camry 2015 sẽ là mẫu xe mới nhất của Toyota được trang bị công nghệ sạc không dây theo chuẩn của Qi. Đây là mẫu xe thứ hai của Hãng tích hợp Qi, sau Avalon vào năm 2013. Người dùng có thể kích hoạt chức năng sạc thông qua nút điều khiển - một thành phần của tính năng Toyota "ebin".

{keywords}

Với chuẩn Qi, hệ thống sạc không dây của Camry 2015 sẽ có thể tương thích ngay với các dòng máy của Nexus và Lumia... Các hãng xe Mercedes hay Ford cũng cho biết sẽ sớm đặt chuẩn sạc không dây trên các dòng xe mới nhất của mình.

Ngoài thiết bị di động, sự gia tăng của xe điện sẽ mở ra cơ hội mới cho công nghệ sạc không dây. Các nhà sản xuất ô tô đang quan tâm đến các mẫu xe có khả năng sạc không dây tự động. Công nghệ này giúp nhà sản xuất ô tô giảm một nửa kích thước xe chạy điện và giảm giá thành hàng ngàn USD. Điều đó sẽ làm nên một sự khác biệt rất lớn cho thị trường xe điện.

Trong khi đó, Hãng Daimler và Hãng Qualcomm sẽ hợp tác phát triển dự án nâng cấp các kết nối không dây trên xe hơi. Bước đầu tiên sẽ tập trung vào việc mang mạng di động 3G/4G lên xe hơi và sạc pin không dây cho những dòng xe sử dụng động cơ điện với công nghệ Qualcomm Halo Wireless Electric Vehicle Charging. Ngoài ra, Qualcomm cũng cung cấp công nghệ WiPower để giúp sạc không dây cho các thiết bị di động bên trong khoang xe.

Theo DNSG