Bệnh nhi ở Đan Phượng, Hà Nội đang ăn hạt điều với bố mẹ, đột nhiên ho sặc sụa, toàn thân chuyển tím tái, khó thở. Bé được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng cấp cứu rồi chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp phải thở máy.

TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa cho biết, trẻ có hội chứng xâm nhập, trên phim chụp X-quang phổi thấy hình ảnh ứ khí phổi trái kèm ứ CO2.

Qua thăm khám và khai thác bệnh sử, bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng trẻ bị hóc dị vật đường thở. Song song điều trị tích cực, bác sĩ nội soi phế quản, phát hiện miếng hạt điều nhỏ ở cuối phế quản gốc trái, đã gắp ra thành công.

Sau can thiệp, trẻ được điều trị viêm phổi, nhiễm trùng và chống phù nề đường thở. 2 ngày sau, toàn trạng trẻ ổn định và đến nay đã hồi phục gần như hoàn toàn.

{keywords}

Ekip bác sĩ nội soi phế quản gắp dị vật cho bệnh nhi

Theo TS Tuấn, dị vật là hạt điều không chỉ gây tắc nghẽn đường thở làm giảm thông khí, ứ CO2, giảm oxy máu mà còn chứa tinh dầu gây viêm phổi do hóa chất.

Bác sĩ khuyến cáo, các dị vật với kích thước lớn có thể gây suy hô hấp cấp, thiếu oxy não. Các dị vật kích thước nhỏ khi xâm nhập vào cơ thể và không được phát hiện và gắp bỏ có thể gây viêm phổi tái diễn nhiều lần.

Do đó, để phòng các tai nạn cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt tai nạn dị vật đường thở, các bậc phụ huynh cần thường xuyên quan sát trẻ, không đeo trên người trẻ các vòng hạt, vật sắc nhọn (kim băng, ghim…), không cho trẻ tự ăn các loại hạt, hoa quả có hạt (cần loại bỏ hạt trước khi cho trẻ ăn), không để trẻ nhỏ cầm chơi các đồ chơi hình tròn nhỏ vì trẻ có thể đưa vào miệng…

Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hàng chục ca hóc dị vật, thường là hạt hoa quả như nhãn, chôm chôm, hạt ngô, hạt lạc, đậu, cơm, cháo đến chìa khoá, đồ chơi...

Điều đáng tiếc, hầu hết trẻ được chuyển đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, não tổn thương không hồi phục do thiếu oxy, nhiều trẻ tử vong. Nguyên do khi trẻ hóc dị vật, không được sơ cấp cứu kịp thời khiến dị vật chèn vào đường thở, gây ngừng thở, ngừng tim.

Thúy Hạnh

Cha mẹ nào cũng cần xem video này để tự cứu con mình

Cha mẹ nào cũng cần xem video này để tự cứu con mình

Khi trẻ hóc dị vật, giai đoạn cấp cứu trong 4-5 phút đầu tiên đóng vai trò quyết định đến mạng sống của đứa trẻ.