- Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, không ít người thuộc nhóm đối tượng “con ông cháu cha” đã phải rời cơ quan để đi vào “nhà thương điên” vì bị cắt giảm biên chế hoặc không chịu nổi “nhiệt” khi phải đối mặt với áp lực công việc quá cao.


Lời tòa soạn:  Kinh tế khó khăn, cuộc sống ngộp thở với mức leo thang của giá cả trong khi đồng lương chưa được cải thiện, văn hóa - đạo đức xã hội xuống cấp... Tỷ lệ nhiều trí thức mắc chứng trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, hoang tưởng tự cao… phải vào viện tâm thần để điều trị đang tăng cao đột biến trong thời gian gần đây. Chuyên đề "Trí thức tâm thần" hé mở phần nào về bức tranh màu xám này với mong muốn cung cấp thông tin và những kỹ năng cần thiết cho độc giả xây dựng một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc. 

Phát điên vì bị coi thường

Tại căn phòng điều trị tâm lý cho các bệnh nhân tâm thần, ngắm nhìn cô gái mới 27 tuổi, đang đứng ở vị trí đầu lớp, thoăn thoắt trong từng động tác thể dục, chốc chốc lại dạo quanh lớp để đôn đốc các bệnh nhân học bài cho chăm chỉ, ít ai nghĩ rằng, căn bệnh tâm thần đã từng quật ngã được cô.

Được biết, cô gái “lớp trưởng” đó tên Thu.

Thu tốt nghiệp khoa Lưu trữ và Thông tin thư viện, trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn (Hà Nội). Tuy nghành học của Thu không liên quan đến ngành ngân hàng nhưng nhờ có mối quan hệ thân thiết của bố mẹ với các lãnh đạo mà Thu được ưu ái nhận vào làm việc trong một ngân hàng lớn tại Hà Nội.

Các bệnh nhân đang được học thiền để trị liệu tại Bệnh viện tâm thần Mai Hương.

Thời gian đầu mới làm việc tại đây, tuy chưa có chuyên môn, nhưng cứ nhắc đến Thu là cả sếp và đồng nghiệp của Thu đều kính nể vì ai cũng biết Thu có mối quan hệ rất thân thiết với các sếp “to”.

Chính vì thế, những sai sót nhỏ hoặc những yếu kém về nghiệp vụ của Thu trong quá trình làm việc tại ngân hàng đều nhanh chóng được bỏ qua.

Nhưng sau này, do khủng hoảng kinh tế, việc hoán ngôi đổi vị giữa các lãnh đạo trong ngân hàng cũng diễn ra. Những lãnh đạo có quan hệ với gia đình Thu người thì chuyển công tác, người về hưu, người thì không còn chức vị cao khiến cho những sự ưu ái của đồng nghiệp dành cho Thu bắt đầu mất dần. Những đề xuất cũng như việc trao đổi của Thu với đồng nghiệp nếu như trước kia được răm rắp nghe theo thì nay bị làm ngơ.

Và cũng giống như bao nhiêu nhân viên khác, Thu đứng trước nguy cơ bị sa thải nếu như không hoàn thành được chỉ tiêu công việc mà ngân hàng đưa ra.

Bỗng nhiên bị hụt hẫng vì không còn được tôn trọng khiến Thu phát điên. Và được bố mẹ đưa vào viện tâm thần để điều trị.

Lúc này, Thu mới tâm sự: “Trước kia, em nói gì mọi người cũng nghe, sau khi họ hàng nhà em không còn làm vị trí to ở ngân hàng nữa thì không còn ai... nể em. Em nói gì họ cũng lờ đi. Đã thế em còn bị kỷ luật lên kỷ luật xuống mỗi khi có một sai sót nhỏ. Rồi ngày nào cũng bị dọa sa thải nếu không làm đủ chỉ tiêu".

“Bị stress quá nhiều, em bắt đầu la hét và cáu gắt với tất cả mọi người. Về nhà bố mẹ góp ý thì em đập phá đồ đạc thế là bố mẹ đưa em vào viện".

Vào viện tâm thần vì không còn chỗ “chống lưng”

Đang tiếp tục cuộc nói chuyện với Thu thì một thanh niên bước vào. Chỉ tay về phía cậu thanh niên nọ, Thu giới thiệu, đấy là Kiên (26 tuổi) đã tốt nghiệp Đại học Xây dựng (Hà Nội) - một trường hợp cũng phải vào viện tâm thần để điều trị vì không chịu được áp lực công việc sau khi không còn “chỗ chống lưng”.

Thu kéo ghế, rủ Kiên ngồi xuống bên cạnh.

Theo tâm sự của Kiên, trước khi Kiên ra trường, bố của Kiên là một người làm khá to trong ngành xây dựng. Cho nên, lúc nào Kiên cũng đinh ninh vì học đúng ngành của bố, sẽ là một thuận lợi lớn cho Kiên khi ra nghề.

Tuy nhiên, sau khi Kiên ra trường, mới xin được vào công ty của bố chưa được bao lâu thì bố của Kiên lại mất trong một vụ tai nạn.

Mất bố, những cố gắng của Kiên trong công việc dường như cũng không còn được ghi nhận. Ai cũng cho rằng Kiên chỉ là một kỹ sư trẻ mới ra nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm khiến Kiên càng không kiềm chế được mình: “Lúc đó em tức lắm, mấy lần cãi nhau với sếp, nên bị sếp cho nghỉ việc. Lúc đợi xin việc mới ở nhà, lúc nào người em cũng bứt rứt khó chịu. Thấy những người hàng xóm nói chuyện với nhau, em cứ nghĩ người ta đang nói xấu mình nên xông ra để cãi nhau tay đôi".

“Nhiều lần như vậy, gia đình mới đoán em có triệu chứng về bệnh thần kinh nên đã đưa em vào bệnh viện để khám và điều trị. Không ngờ vào đây, thấy có nhiều người giống mình đến thế”.

Kiên bảo, thấy các bác sỹ còn nói, có cả những bệnh nhân học rộng, có địa vị xã hội cao cũng từng phải nhập viện sau khi cha mẹ mất, người yêu bỏ… hoặc bị sa cơ, lỡ vận.

Vũ Lụa

(còn nữa)