Chèo kéo mua trái phiếu DN
Chị Hoàng Thu Hằng ở phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy Hà Nội, kể rằng tuần trước khi đến ngân hàng TMCP trên địa bàn làm thủ tục tất toán khoản tiền tiết kiệm 2 tỷ đồng, chị được nhân viên ở đây tư vấn nên chuyển sang mua trái phiếu của một DN bất động sản, kỳ hạn 3 năm với lãi suất 10,5%/năm. Không những thế trái phiếu này còn được DN bảo lãnh bằng chứng quyền, tức là có thể chuyển khoảng 30% thành cổ phiếu của DN. So với lãi suất đang gửi ngân hàng, kỳ hạn 36 tháng là 8,4%/năm thì lãi suất trái phiếu cao hơn và hấp dẫn hơn hẳn.
Một số khách hàng cá nhân có những khoản tiền lớn, gửi tiết kiệm tại ngân hàng cũng cho biết, gần đây hay được các nhân viên ngân hàng tư vấn, nên mua trái phiếu của DN bất động sản, vì có lãi suất cao. Có những DN phát hành trái phiếu lãi suất tới trên 11%.
TP3.jpg |
Trái phiếu DN là một khoản nợ mà DN vay từ người mua trái phiếu. Người mua được nhận tiền lãi hàng năm và nhận khoản tiền vay gốc vào cuối kỳ hạn của trái phiếu, tương tự như tiền gửi ngân hàng. Theo tính toán, với số tiền 1 tỷ đồng nếu gửi tiết kiệm lãi suất kỳ hạn 3 năm hiện cao nhất là 8,6%/năm thì mỗi năm khách hàng sẽ được hưởng lãi 86 triệu đồng, nếu mua trái phiếu DN lãi suất 10,5%/năm thì khách hàng sẽ được hưởng 105 triệu đồng.
Đối với những người có nguồn tiền nhàn rỗi, lãi suất cao thường được quan tâm hàng đầu, vì thế, trái phiếu DN cũng là một kênh đầu tư hấp dẫn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng khả quan, trái phiếu DN được nhìn nhận là kênh phát hành có tiềm năng rất lớn. Thị trường trái phiếu DN sẽ tăng trưởng từ 30-40%/năm trong thời gian tới.
Trái phiếu DN sẽ dần dần trở nên phổ biến tại Việt Nam, giống như chứng khoán. Trái phiếu DN sẽ không chỉ phát hành cho các Ngân hàng TMCP, các công ty chứng khoán, các đối tác của DN, mà còn cho cả các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.
Số công ty tham gia thị trường trái phiếu DN ngày càng đa dạng hơn. Mệnh giá trái phiếu cũng đa dạng hơn, có nhiều loại chỉ còn 50-100 triệu đồng. Kỳ hạn có đủ loại: 10 năm, 5 năm, 3 năm, 1 năm và thậm chí là 3-6 tháng.
Các nhân viên ngân hàng thì luôn hết lời ca tụng trái phiếu DN được ngân hàng bảo lãnh phát hành rất đắt hàng và thường ưu tiên cho khách VIP. So với gửi tiết kiệm, mua trái phiếu DN có lợi hơn rất nhiều.
Ham lợi nhuận cao dễ gánh rủi ro
Tuy nhiên, lợi nhuận cao cũng đi kèm với rủi ro cao, trái phiếu DN không nằm ngoài quy luật này.
Theo quy định cũ, DN muốn phát hành trái phiếu thì trong báo cáo tài chính phải thể hiện lãi của các năm trước. Nhưng quy định mới đã bỏ điều này, chỉ cần DN có báo cáo tài chính đã kiểm toán là đủ.
Ở những quốc gia có thị trường trái phiếu DN phát triển, bất cứ DN nào muốn phát hành trái phiếu đều phải được xếp hạng tín nhiệm. Có những quốc gia phải mất hàng chục năm để xây dựng văn hóa xếp hạng tín nhiệm DN. Trong khi đó, hiện hầu hết các DN Việt Nam phát hành trái phiếu đều chưa được xếp hạng.
Cần cẩn trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp |
Nhiều DN Việt Nam có năng lực tài chính hạn chế, dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, khả năng hoàn vốn thấp. Chưa kể, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, trình độ quản lý thấp, thiếu kế hoạch và chiến lược cụ thể. Đặc biệt, nhiều DN còn ngại công bố thông tin, thậm chí giấu thông tin, báo cáo thông tin tài chính chưa rõ ràng, trong khi tính minh bạch là một trong những điều kiện quan trọng. Vì vậy, nhà đầu tư có thể đối mặt với những rủi ro khi mua phải trái phiếu của những DN kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả.
Thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) của trái phiếu DN tại Việt Nam vẫn chưa phát triển, khiến người nắm giữ muốn bán lại cũng không dễ dàng. Chưa kể DN phát hành trái phiếu không bị giám sát về giải ngân, sử dụng vốn, nên nguồn vốn huy động được, có đầu tư đúng mục đích hay lại dùng để làm việc khác, vấn đề này rất khó kiểm soát.
Lời khuyên từ các chuyên gia kinh tế dành cho những khách hàng cá nhân muốn mua trái phiếu DN, đó là mấu chốt của thành công nằm ở việc tránh những trái phiếu rủi ro, chứ không phải cứ thấy lãi suất cao mà bất chấp tất cả. Những DN bất động sản đang có nhu cầu phát hành trái phiếu lớn nhất và dẫn đầu về lãi suất. Nhưng nhiều DN trong lĩnh vực này lại có cấu trúc nợ/vốn không cân đối. Vì vậy cần phải phân tích thấu đáo và cẩn trọng hơn so với các ngành nghề khác.
Cần đặc biệt quan tâm đến tài sản đảm bảo của DN, xem đó là tài sản như thế nào, có đầy đủ tính pháp lý không, đã dùng để vay vốn hay góp vốn với đối tác nào chưa, đã sử dụng cho giao dịch khác chưa, giá trị được thẩm định như thế nào...
Với những trường hợp DN tự phát hành và tự công bố tài sản đảm bảo, cần quan tâm đến tổ chức nào là chủ thể đảm bảo, hoặc trung gian nào giám sát chất lượng tài sản bảo đảm năng lực, uy tín của họ. Nếu trái phiếu được bảo lãnh bằng cổ phiếu thì cần phải xem thị giá cổ phiếu trên thị trường ra sao.
Cần quan tâm xem DN phát hành trái phiếu, có được ngân hàng nào đứng ra bảo lãnh thanh toán hay không. Nếu có thì có thể yên tâm, bởi gặp trường hợp DN không thể thanh toán được thì ngân hàng bảo lãnh sẽ thanh toán. Tuy nhiên, những trái phiếu DN phát hành, được các ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán hiện rất ít.
Ngoài ra khách hàng cũng có thể mua trái phiếu DN được chính các ngân hàng TMCP phát hành, sẽ yên tâm hơn. Nhưng với trái phiếu của các ngân hàng thì lãi suất không cao nhiều hơn so với gửi tiết kiệm.
Trần Thủy