1.jpg
Nhiều DN đã được cấp phép khai thuế qua mạng nhưng vẫn thích “gắn bó” với việc khai thủ công trên giấy.

Đủ điều kiện “online”, vẫn khai thuế… ra giấy

Sau hơn 5 tháng triển khai, tính đến thời điểm hiện nay đã có 435 doanh nghiệp ở các khối doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, TNHH, liên doanh, các tập đoàn, tổng công ty lớn… đã được cấp tài khoản sử dụng dịch vụ nộp hồ sơ khai thuế qua mạng, trong đó Hà Nội đứng thứ nhất với 254 doanh nghiệp, TP.HCM có 110 doanh nghiệp, Bà Rịa – Vũng Tàu là 36 và Đà Nẵng là 35 (Hà Nội có số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều nhất được đánh giá là do Cục Thuế Hà Nội đã triển khai nhanh, hiệu quả công tác tuyên truyền và hỗ trợ triển khai, giải quyết nhanh chóng những vướng mắc). Qua thực tế ứng dụng, các doanh nghiệp, đơn vị đã giảm được nhiều chi phí do không phải in tờ khai và bảng kê ra giấy, giảm thời gian đi lại và nhân lực thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế với cơ quan thuế, đồng thời tạo điều kiện tăng cường ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp.

Theo đại diện Tổng cục Thuế tại hội nghị sơ kết công tác nộp hồ sơ khai thuế qua mạng diễn ra ngày 8/1/2010 tại Hà Nội, trong thời gian qua Tổng cục Thuế đã tổ chức các khóa tập huấn, ra văn bản chỉ đạo việc triển khai ứng dụng tại các địa phương, tuyên truyền lợi ích của việc nộp hồ sơ khai thuế qua mạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, hướng dẫn sử dụng đến các doanh nghiệp, đồng thời tổ chức hội nghị để tìm hiểu những vướng mắc của các doanh nghiệp… Tại trang web www.kekhaithue.gdt.gov.vn của Tổng cục Thuế, các doanh nghiệp có thể tải về các hướng dẫn sử dụng phần mềm ứng dụng nộp hồ sơ khai thuế qua mạng Internet như hướng dẫn cài đặt, hướng dẫn sử dụng chữ kí số… Tổng cục Thuế đã làm việc với Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC (đơn vị cung cấp chữ kí số) để đảm bảo công tác triển khai.

Tuy nhiên, ông Đặng Hạnh Thu – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhận định con số 435 đơn vị nêu trên vẫn chưa phải là nhiều, thậm chí có khoảng 11% đơn vị trong số đó dù đã đăng ký và được cấp phép sử dụng dịch vụ nộp hồ sơ khai thuế qua mạng nhưng vẫn… chưa tiến hành khai thuế qua mạng, vẫn “gắn bó” với việc in ra giấy thủ công.

1.jpg

Chậm triển khai, vì sao?

Tìm hiểu nguyên nhân khiến không ít đơn vị, doanh nghiệp vẫn “rụt rè” với khai thuế online, có thể thấy một số lý do. Trước hết, đó là rào cản đối với dịch vụ chứng thư số - Đây là khó khăn được nhắc đến nhiều nhất trong quá trình triển khai. Ngay khi Tổng cục Thuế bắt đầu thực hiện, thì Nhà nước chưa có văn bản pháp lý quy định rõ ràng về trách nhiệm sử dụng, bảo quản chứng thư, chữ ký số; chưa có các quy định thủ tục chính thức về việc đăng ký và đặc biệt là mức phí sử dụng dịch vụ, phần mềm quản lý chứng thư số còn xung đột với một số ứng dụng của người dùng.

Về phía doanh nghiệp, phần lớn còn lo ngại về độ an toàn bảo mật của chữ ký số, vẫn còn tâm lý lo ngại, chờ đơn vị khác triển khai trước xem có thành công hay không mới đưa vào ứng dụng. Bên cạnh đó, nhiều nơi do nhân viên chưa thành thạo về tin học nên lúng túng khi thực hiện kê khai điện tử, dùng phần mềm mã vạch chưa đúng phiên bản, chưa thành thạo, máy tính cấu hình thấp, chưa có cơ chế và quy định rõ trách nhiệm trong nội bộ công ty…

Bên cạnh đó cũng cần nhắc tới sự chuẩn bị để triển khai, hướng dẫn người nộp thuế triển khai còn chưa tốt của cơ quan thuế và phần mềm ứng dụng kê khai thuế qua mạng còn mắc nhiều lỗi trong quá trình sử dụng như chức năng báo cáo, tra cứu hay gặp lỗi, lỗi không gửi được tờ khai khiến người dùng “nản”…, hệ thống chưa cho phép người nộp thuế gửi tờ khai thuế môn bài, phí xăng dầu, tờ khai nhà thầu, báo cáo tình trạng sử dụng hóa đơn… vẫn phải nộp trực tiếp bằng giấy. Ông Phạm Quang Toàn – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT – Tổng cục Thuế nhận định đó là những lý do cơ bản khiến đơn vị khai thuế chưa mặn mà với hình thức trực tuyến.

Năm 2010, thêm 6 tỉnh ứng dụng

Theo thông tin chính thức từ Tổng cục Thuế, trong năm 2010, ngoài 4 Cục Thuế đã triển khai từ năm 2009 là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu thì có thêm 6 tỉnh được mở rộng triển khai là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Khánh Hòa, An Giang, Tiền Giang với 8.435 doanh nghiệp.

Như vậy, với số lượng doanh nghiệp ứng dụng sẽ tăng hơn 20 lần so với hiện nay, vấn đề đặt ra là liệu ngành thuế có đáp ứng kịp hay không. Về vấn đề này, ông Phạm Quang Toàn cũng cho biết trong thời gian tới, chức năng ứng dụng của phần mềm khai thuế qua mạng sẽ được khắc phục lỗi, được hoàn thiện chức năng đăng ký tờ khai, bổ sung công cụ ký trên máy trạm và giải pháp gửi file nén…

Đồng thời, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình, thủ tục đăng ký, nộp hồ sơ khai thuế qua mạng… để bám sát với thực tế. Riêng với vấn đề bảo mật của chữ ký số, ông La Thế Hưng – Trưởng phòng An toàn thông tin, công ty VDC nhận định vấn đề sử dụng chữ ký số được áp dụng theo chuẩn công nghệ tiên tiến của thế giới, do vậy các đơn vị, doanh nghiệp không quá lo ngại vấn đề bảo mật. Công ty VDC sẵn sàng hỗ trợ và giải đáp mọi vướng mắc.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 5 ra ngày 11/1/2010