Cách đây ít hôm, nhà lãnh đạo Mỹ lại khiến dư luận chú ý khi thông báo sẽ xúc tiến kế hoạch rút gần 12.000 binh sĩ Mỹ khỏi Đức, cao hơn nhiều so với ý định ban đầu là khoảng 9.500 quân.
Động thái này lập tức làm dấy lên những tranh luận nóng bỏng về những hệ lụy sau đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, tháng 6/2019. Ảnh: Vox |
Theo Washington Post, chính quyền Trump sẽ đưa khoảng 5.600 binh sĩ trong số quân trên tới Italia và Bỉ, còn lại sẽ trở về nhà để thực hiện triển khai luân phiên tới châu Âu.
Lầu Năm Góc lý giải quyết định là nhằm tăng cường sức mạnh cho NATO và ngăn chặn Nga. Tuy nhiên, Ông Trump lại đưa ra một lời giải thích khá mâu thuẫn với các quan chức dưới quyền, rằng vì Đức đang lợi dụng Mỹ khi không chi tiêu đủ cho quốc phòng và do vậy vi phạm các cam kết của NATO.
Tạp chí Vox đưa tin, quyết định của chính quyền Trump đã nhận nhiều chỉ trích từ các chính trị gia và chuyên gia quốc phòng từ khắp chính trường Mỹ. Thượng nghị sĩ Mitt Romney mô tả đó là "một món quà dành cho Nga", còn thượng nghị sĩ Bob Menendez thì ví von "chamgagne hẳn phải chảy tự do như suối tối nay ở Kremlin".
Và, theo nhiều chuyên gia, kế hoạch rút quân khỏi Đức sẽ không thể ngăn được Nga như lý giải của Lầu Năm Góc, mà còn có tác dụng ngược. Hai nước mà lính Mỹ chuyển đến là Italia và Bỉ không hề đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng nào từ Moscow. Hơn nữa, quan hệ giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel hiện đang khá căng thẳng, do vậy quan hệ Mỹ - Đức có thể sẽ rẽ theo hướng tồi tệ hơn.
"Thay vì tăng thêm sức mạnh cho NATO, kế hoạch rút quân sẽ làm suy yếu Liên minh", CNN dẫn lời Norbert Roettgen - một nghị sĩ thuộc Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel. Ông này lên án Washington làm như vậy chẳng khác nào đang tự bắn vào chân mình.
"Tính hiệu quả của quân đội Mỹ sẽ không tăng lên, mà sẽ giảm xuống, đặc biệt khi nói đến Nga và các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở Trung Đông và Cận Đông", Roettgen nói.
Tạp chí Vox chỉ ra rằng, kế hoạch rút quân có thể sẽ mất nhiều năm để thực hiện xong, và sau đó Mỹ vẫn còn 24.000 binh sĩ ở Đức. Cũng chưa rõ Tổng thống Putin có hiểu quyết định của người đồng cấp Mỹ là "một món quà" dành cho Nga như nhiều người quả quyết hay không.
Trong khi đó, CNN dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov trao đổi thẳng thừng với hãng tin này: "Chúng tôi chưa từng che giấu suy nghĩ của mình rằng càng ít lính Mỹ hiện diện trên lục địa châu Âu thì tình hình ở châu Âu càng yên ổn hơn".
Thanh Hảo
Đức nói Mỹ rút quân là tự bắn chân mình
Việc rút quân khỏi Đức sẽ không giúp Mỹ tiến tới các mục tiêu của nước này ở châu Âu mà còn phản tác dụng, theo người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Đức.
Mỹ rút gần 12.000 quân đồn trú ra khỏi nước Đức
Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ rút 11.900 quân đồn trú khỏi Đức và tái bố trí gần một nửa số này ở Bỉ và Italia, theo CNN.