Không khí mùa màng tràn về cánh đồng dưa ở xã Lý Văn Lâm, tỉnh Cà Mau cách đây đã 3 tháng. Tiếc là thời điểm ấy chúng tôi không thể có mặt để xem cách mà người dân nơi đây ươm mầm, chăm bẵm cho sự hình thành của một ruộng dưa lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long ở thời điểm hiện tại.
Chúng tôi được người dân dẫn vào ruộng dưa nằm sâu trong xã Lý Văn Lâm, đây được xem là xã giáp thành phố Cà Mau nhất đồng thời cũng là xã "nức tiếng" với ruộng dưa lớn thu hút thương lái ở khắp các vùng lân cận đổ về.
5 tháng ròng chuẩn bị cho vụ dưa hoành tráng nhất miền Tây
Nói là 3 tháng chứ trên tinh thần, người dân nơi đây đã phải dành khoảng nửa năm để quy hoạch đất chuẩn bị cho một vụ dưa Tết chất lượng. Năm nay, xã Lý Văn Lâm sẽ cho ra thị trường từ 2.000 - 3.000 tấn dưa, cả xã có hơn 30 hộ dân trồng dưa với tổng diện tích đất trồng dưa lên đến gần 100ha.
Nhưng tất cả những thứ đó chưa phải là con số nổi bật khi dưa hấu xã Lý Văn Lâm được công nhận là giống dưa duy nhất ở miền Tây đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Năm nay, xã Lý Văn Lâm sẽ cho ra thị trường từ 2.000 - 3.000 tấn dưa, cả xã có hơn 30 hộ dân trồng dưa với tổng diện tích đất trồng dưa lên đến gần 100ha.
Trung bình với mỗi dây dưa hấu, người ta sẽ chỉ mất 2 tháng tính từ thời điểm tra hạt để chúng nảy mầm phát triển trái, thế nhưng phải ở đây từ khi đất ruộng chưa lên liếp mới rõ tường tận một vụ dưa Tết kỳ công như thế nào. Trên tinh thần nguyên thuỷ của nông dân Việt là "lấy công làm lời", có người đã trụ với mùa dưa ở đây hơn chục năm liên tiếp dù không ít mùa phải dãi nắng dầm mưa, mồ hôi đổ xuống đồng như muối đổ biển.
Những quả dưa căng mọng lớn đều và nằm thẳng tắp san sát các mé liếp rộng từ 100 - 200cm. Mỗi ruộng dưa có từ 10 - 30 liếp dưa. Các liếp dưa được người dân đầu tư thời gian từ cách đây khoảng 5 tháng. Từ việc thuê đất, đo đạc, đào xới đã cho thấy một giai đoạn kỳ công, vất vả. Để có được các liếp dưa đều nhau, người ta phải chia ruộng ra thành từng phần, tính toán làm sao cho kỹ, các liếp dưa cách nhau bằng một rãnh luống được đào sâu hơn 40cm vừa là để thoáng, vừa là để có đất bồi cho liếp dưa cao hơn. Cứ cách khoảng 80cm rãnh luống là có một liếp dưa phẳng được bón lót bằng phân hữu cơ, bên trên phủ màng nông nghiệp và cố định bằng cây ghim sâu xuống đất.
Tổng diện tích ruộng dưa ở cả 4 xã là gần 90ha. Trong đó có 22ha (tương đương 39 hộ trồng) dưa đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Vốn tưởng người dân chỉ cần bỏ chút công sức cộng thêm vốn kinh nghiệm tích lũy là có thể xoay chuyển cả một ruộng dưa nhưng có lẽ đó chỉ là yếu tố cần chứ để thật sự đủ thì còn phải có cả vốn kiến thức dù không bài bản nhưng hoàn chỉnh để giữ ruộng dưa trải dài gần 100ha này.
Ở xã Lý Văn Lâm có 8 ấp, 4 ấp trồng dưa, 4 ấp còn lại gắn liền với mô hình lúa nước. Tổng diện tích ruộng dưa ở cả 4 xã là gần 90ha. Trong đó có 22ha (tương đương 39 hộ trồng) dưa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trung bình 1ha người nông dân cho ra khoảng 30 tấn dưa. Tổng diện tích dưa mà cả 4 ấp đạt được lên đến khoảng từ 2.500 - 3.000 tấn. Theo Chủ tịch Hội nông dân xã Lý Văn Lâm, số lượng này đã giảm khoảng 20% so với năm trước.
Thức trắng suốt 1 tuần trước ngày thu hoạch nhưng chỉ "cầu hòa" với thời cuộc
Các chủ ruộng nhiệt tình đưa khách đi thăm dưa, chỉ rõ đâu là dưa sọc, đâu là dưa Mai An Tiêm. Người dân ở đây có lẽ đã không còn quá xa lạ nhưng khách ở nơi khác đến có lẽ ít nhất một lần sẽ phải tròn mắt nhìn cho rõ ruộng dưa sai quả, mỗi quả nặng đến hơn chục ký là chuyện thường tình.
Người dân thức trắng 1 tuần liền trước ngày thu hoạch.
Năm nay do có nhiều sự thay đổi về thời tiết, dịch bệnh hoành hành nên số lượng dưa ở đây giảm rõ rệt. Giảm số lượng chứ năng suất có lẽ vẫn vậy, đặc biệt công người ta bỏ ra càng không thay đổi đành rằng làm ít hơn thì nhọc ít hơn.
Ngồi với chúng tôi là những người nông dân "kỳ cựu" ở xã Lý Văn Lâm, 21 giờ đêm trên đống rơm lót bao dưa đang chờ thu hoạch, trời mát nhưng mồ hôi thì lã chã rơi, họ nói cười rôm rả, cách hỏi thăm thân tình hi vọng làm vơi đi bầu không khí có phần hiu quạnh hơn năm trước nhiều.
"Bây ở đâu tới? Dưa năm nay ít rồi, thương lái không ghé nhiều như mọi năm, diện tích trồng cũng giảm nhiều bây ơi!"
Tưởng chừng như đó chỉ là một câu nói bâng quơ, nhưng chứng kiến được nên chúng tôi cũng thấm nhiều những phần sức mà người ta bỏ ra cho cả vụ dưa dẫu kém phần hoành tráng so với họ nhưng cách mà họ mong chờ thì không kề kém ở điểm nào, thậm chí còn hơn. Mùa màng thất bát, thứ người nông dân cầu là "làm hoà" với thời cuộc chứ chẳng mong mỏi nhiều.
"Cực lắm con ơi, cô ra giữ ruộng cho con của cô nhưng thấy nó cực, thức trắng suốt một tuần gần ngày cắt dưa, nhân công thuê hơn chục người phải trả lương, một mình thì làm không xuể. Đó là chưa kể phần thuê máy kéo, đổ dầu, con nghĩ coi nắng cháy trời phải ra thăm ruộng suốt, còn phập phồng sợ mưa là mất trắng, chăm bẵm dưa như trông em bé, lúc mới tra hạt không vất vả nhiều chứ còn gần ngày thu hoạch là bỏ ăn bỏ ngủ để coi chờ ngày cắt, kéo dưa".
Đó không phải là lời kể công của một người trồng dưa ở xã Lý Văn Lâm mà là lời của một người chứng kiến hết thảy quá trình bắt tay vào làm ruộng dưa của nông dân xã chính hiệu. Ở đây kêu nông dân kể khổ chắc có lẽ họ chỉ cười trừ vì không biết phải kể như thế nào. Làm nông cực thì chắc ai cũng hiểu nhưng cái quan trọng là họ bám đất, bám nghề hơn chục năm để làm nên một thứ gọi là thương hiệu dưa Lý Văn Lâm, thật lòng chúng tôi đã dành cho họ sự khâm phục và yêu quý nhiều.
10.000 đồng/1 ký dưa: Mặc cả với thương lái đừng mặc cả với nông dân!
Dưa được bán tại xã Lý Văn Lâm với giá 10.000 đồng/kg. Từ ngày cắt đến ngày nhượng lại cho thương lái, người nông dân chỉ có khoảng 3 ngày để bán lẻ. Dưa được đưa ra ngoài xã đổ đi trung tâm thành phố đến các vùng sẽ có giá vài chục nghìn một ký, có nơi sẽ bán theo cặp từ 200.000 đồng - 500.000 đồng/cặp từ chục ký trở lên. Ở đâu bán dưa hấu cũng treo biển dưa Lý Văn Lâm, kể cả các vùng lân cận nằm ngoài tỉnh Cà Mau vì đó là thương hiệu!
Dưa được bán tại xã Lý Văn Lâm với giá 10.000 đồng/kg.
Người làm nông luôn chọn số lượng theo đúng nghĩa "lấy công làm lời", còn thương lái chọn "bán công làm lời". Người dân trong thành phố ai đã chọn đến tận xã này để mua dưa thì ít khi mặc cả. Tại nơi đổ dưa cuối cùng, từ thanh niên cường tráng đến phụ nữ chân yếu tay mềm ai cũng ra sức vận chuyển và xếp những quả dưa căng mọng một cách khéo léo, họ không tiếc khách đến lựa cũng chẳng tiếc dưa xấu mà bỏ đi, nhưng dưa đẹp phải được quý một cách kỹ càng nhất vì đó là phần sức của rất nhiều người bỏ ra. Mát dạ ở chỗ người mua chỉ dưa nào, họ cắt dưa đó không sợ hư, không sợ "dỏm" hay nói một câu quen thuộc rặt tiếng nông dân ở Cà Mau: "Mua đi chế, em xẻ cho, dưa không ngon chế đem lại đây em trả tiền gấp 3, 4 lần, nhà em ở sát bên đây nè".
"Em thức đêm nay là đêm thứ 2, còn bán ở đây ngày mai với mốt rồi em nhượng lại cho thương lái bán. Có chủ ruộng họ cho chuyển dưa đi nơi khác bán để được giá cao hơn", vừa nói dứt tiếng với khách, một người phụ nữ quay sang nói với chúng tôi.
Thời tiết mát mẻ là thế nhưng từ sáng sớm đến tối khuya có người đổ mồ hôi không ngớt, họ vận động xuyên suốt cũng thành quen, lời thì đương nhiên có lời nhưng chẳng may trái gió trở trời lại rất "khó". Cái nếp "lấy công làm lời" cầu mong ông trời sẽ độ từ bao đời người nông dân đã quen và cũng chẳng thể thay đổi. Nếu còn phải chịu thêm sự mặc cả dẫu ít dẫu nhiều cũng sẽ khiến họ thấy lao đao.
(Theo Pháp Luật và Bạn Đọc)