{keywords}
Thiết bị được quảng cáo là có thể tiết kiệm điện.

Nở rộ quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện

Mùa hè, lượng điện tiêu thụ tăng vọt cũng là lúc thị trường nở rộ các sản phẩm tiết kiệm điện. Không khó để tìm mua sản phẩm này ở nhiều trang thương mại điện tử. Trang tietkiemdiennang.net viết: “Thiết bị tiết kiệm điện là một dụng cụ có tích hợp tụ bù tiết kiệm điện được thiết kế gọn nhẹ nhằm ổn định dòng điện sử dụng trong gia đình.

Qua việc điều tiết dòng điện, sau khi các thiết bị điện gia dụng (tủ lạnh, tivi, máy giặt, điều hòa...) sử dụng điện xong thì thiết bị tiết kiệm điện sẽ giảm tải lượng điện năng xuống và làm công tơ điện quay chậm nhất có thể”. Với việc sử dụng thiết bị tiết kiệm điện này sẽ giúp các gia đình tiết kiệm lên đến 43% tiền điện hàng tháng.

Trên một số diễn đàn mạng, một số cửa hàng bán thiết bị điện, loại sản phẩm thiết bị siêu tiết kiệm điện thu hút sự quan tâm của không ít khách hàng. Chỉ bằng cách cắm vào ổ điện trong nhà, thiết bị siêu tiết kiệm điện này có thể giúp cho gia chủ mỗi tháng tiết kiệm được vài trăm nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng.

Nguyên lý tiết kiệm điện của thiết bị này dựa theo nguyên lý lọc sóng hài, thiết bị tiêu thụ điện cũ sẽ hao phí điện nhiều hơn, sản phẩm này giúp lọc sóng hài giảm hao tổn điện năng.

TS Nguyễn Phúc Khải, Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí.

Tuy nhiên, rất khó tìm được thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30 - 40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.

Gây hại cho hệ thống điện

TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Thiết bị điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định.

Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30 - 40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.

TS Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học TPHCM (EEI) cho biết, trong khoa học, không thể có chuyện chỉ cần gắn một cục gọi là thiết bị tiết kiệm điện vào một ổ cắm trong nhà mà lại có tác dụng tiết kiệm điện cho các thiết bị tiêu thụ điện khác.

“Chỉ cần quan sát cấu tạo là có thể khẳng định đây chỉ là một bộ lọc tích cực có tác dụng loại bỏ sóng hài do các thiết bị điện tử như máy tính, thiết bị di động. Nó làm cho điện áp nguồn bị méo, không còn hình sin nữa. Đối với những thiết bị này thì có thể tiết kiệm được điện ở một mức cực kỳ nhỏ.

Nhưng đây cũng là những thiết bị có công suất rất nhỏ nên so với cả hệ thống điện trong nhà thì nó gần như không có tác dụng gì. Điện áp trong nhà vẫn luôn là hình sin, sản phẩm này không thể làm thay đổi được toàn bộ điện áp trong gia đình.

Tốt nhất là không nên mất tiền oan để mua loại thiết bị này, vừa không tiết kiệm điện, vừa có nguy cơ hỏng hệ thống điện”, TS Nguyễn Bách Phúc cho biết.

Nếu có loại thiết bị can thiệp trực tiếp vào công tơ điện làm cho nó chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện.

Như vậy đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

(Theo GD&ĐT)

Tiết kiệm điện nhờ thay đổi những thói quen khó bỏ

Tiết kiệm điện nhờ thay đổi những thói quen khó bỏ

Nhiều người Việt có thói quen khó bỏ khiến việc tiết kiệm điện năng tiêu thụ không thực sự đạt hiệu quả tốt nhất.