Nhiều gia đình thích cho bé làm điệu bằng trang sức mà không biết rằng đó có thể là mối nguy với sức khỏe của trẻ.

Dây chuyền biết... cắn

BS Nguyễn Văn Lộc, Phòng khám tự nguyện Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương - cho biết, BV này vừa tiếp nhận một ca cấp cứu. Bệnh nhi Nguyễn B.A., ba tuổi, ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng vùng cổ có biểu hiện đỏ tấy, mưng mủ, đang trong giai đoạn lở loét. Theo lời kể của gia đình, giáp Tết, cha mẹ của Bảo Anh có sắm vòng và sợi dây chuyền bằng bạc xi cho con đeo. Trời lạnh, bé mặc nhiều quần áo nên người lớn không chú ý đến chiếc vòng, cũng không nghĩ rằng cạnh sắc của sợi dây chuyền làm xây xát da cổ của bé, gây viêm và sinh mủ. Thời gian ngắn sau khi đeo dây chuyền, bé liên tục dùng tay kéo áo vùng cổ, lúc này bố mẹ kiểm tra kỹ mới thấy vùng cổ sưng tấy, có mủ.

{keywords} 

Không chỉ trẻ nhỏ, ngay người lớn cũng cần lưu ý khi dùng trang sức. BV Việt Đức, Hà Nội từng tiếp nhận một ca hy hữu. Anh Lê V.C., 18 tuổi, ở Hòa Bình, nhập viện trong tình trạng ngón tay đeo nhẫn bàn tay phải sưng to, có mùi thối. Bệnh nhân (BN) cho biết, trước đó một tuần đã đeo cùng lúc hai chiếc nhẫn inox. Chiếc nhẫn vì quá chặt, đã thít lấy ngón tay, khiến máu không lưu thông được, dẫn tới tình trạng viêm tấy và bắt đầu có dấu hiệu hoại tử. Khi BN đến BV Việt Đức, các bác sĩ (BS) đã chỉ định cắt cụt ngón tay. Tuy nhiên, sau khi hội chẩn, với tinh thần cố cứu ngón tay cho BN, ê kíp cấp cứu đã dùng khoan cắt và cắt đứt được hai chiếc nhẫn, bảo tồn ngón tay cho BN. BN dùng thuốc vài ngày và ngón tay đã dần bình phục.

Mối nguy từ trang sức

BS Nguyễn Văn Lộc cho biết thêm, trang sức mới mua thường có những cạnh sắc, nhỏ. Da trẻ còn mỏng nên những cạnh sắc này dễ làm trầy xước. Những trẻ có cơ địa dị ứng sẽ không chịu được khi đeo trang sức.

Vị trí tổn thương da thường gặp nhất là ở dái tai, khiến da bị sưng đỏ và chảy nước ngay tại lỗ xỏ đeo bông tai, có thể gây lầm lẫn với tổn thương do nhiễm trùng da. Các vị trí khác như vùng da hai bên dái tai (khi đeo bông tai), cổ (do đeo dây chuyền) và cổ tay (do đeo vòng, xuyến) hoặc ngón tay (do đeo nhẫn) thường nổi đỏ lốm đốm, xuất hiện mụn rộp, rỉ nước, gãi ngứa chà xát gây trầy da. Đó là chưa kể đến những tai nạn khác có thể xảy ra khi cho trẻ đeo trang sức như bạn bè hoặc kẻ xấu giật cướp đồ, trẻ ngậm, cắn đồ trang sức dễ nuốt vào gây dị vật đường thở, trang sức không đảm bảo, có chất gây hại cho sức khỏe…

{keywords} 

BS Nguyễn Thành, nguyên Trưởng khoa Da liễu, BV Da liễu Trung ương khuyên: Những trang sức rẻ tiền, không đảm bảo chất lượng thường tiềm ẩn nguy cơ bệnh. Đơn cử, thành phần niken xuất hiện nhiều trong những trang sức rẻ tiền dễ gây dị ứng cho những ai có cơ địa dị ứng niken hay dị ứng kim loại nói chung. Có người dị ứng với cả thắt lưng da, cúc quần bằng kim loại… Đây là “thủ phạm” gây ngứa ngáy, mụn nước. Nhiều khi người bệnh mà không biết, cứ tiếp tục dùng các sản phẩm rồi lại gãi, gây sưng, lan dị ứng ra vùng da rộng. Trẻ gái bị dị ứng với trang sức nhiều hơn trẻ nam, đặc biệt trẻ sơ sinh xỏ khuyên tai sớm sau sinh cũng dễ gây dị ứng. Trẻ có cơ địa nhạy cảm thường xuất hiện triệu chứng vài giờ đến vài ngày sau khi đeo trang sức. Thông thường các dị ứng kim loại dễ gặp vào mùa hè, nguyên do tiết trời nóng, mồ hôi ra nhiều, thấm vào kim loại, khiến da dị ứng.

“Trong trường hợp trẻ bị viêm, sưng tấy, mưng mủ… sau khi đeo trang sức, người lớn cần tháo ngay trang sức ra. Tại gia đình, có thể dùng nước rửa vết thương. Sau đó, đưa ngay trẻ đến BV, không nên tự mua thuốc về điều trị. Nếu để lâu, sẽ nhiễm trùng vết thương, để lại sẹo xấu cho trẻ”, BS Thành khuyến cáo.

Các BS lưu ý, một số chất liệu nếu sử dụng lâu ngày có thể gây ngứa da; đặc biệt là sắt, đồng thường sau một thời gian sử dụng với tác động của môi trường, mồ hôi sẽ rỉ sét. Những chất rỉ sét này có thể gây kích ứng, nổi mụn nước, nổi mẩn khiến da dễ bị nhiễm khuẩn, thậm chí mưng mủ. Trang sức làm bằng bạc tương đối an toàn khi đeo cho trẻ, nhưng cũng cần kiểm tra các góc cạnh sắc nhọn. Tốt nhất, nên chọn trang sức trơn, thiết kế đơn giản. Vệ sinh thường xuyên cho trẻ để tránh chất bẩn tích tụ trên trang sức, ngăn mầm bệnh phát triển.

(Theo PNO)