Thông tin về cách trồng rau bằng nước cống hay nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối, tưới bằng dầu nhớt, “tắm” thuốc trừ sâu, kích phọt, ngâm trong hóa chất,... xuất hiện ngày càng nhiều khiến nhiều người rùng mình. Bó rau non mỡ màng mà chúng ta mua về ăn hàng ngày có gì?
Những nỗi lo sợ về cách trồng rau non mỡ
Cách đây vài ngày, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật trên nông sản là nguyên liệu chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao.
Theo cơ quan này, hàng năm, qua các chương trình giám sát chủ động, tiến hành lấy hàng chục nghìn mẫu thực phẩm tại các vùng miền, kết quả cho thấy tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép trên rau, củ, quả vẫn chiếm khoảng 3-5%, trong khi các nước khác chỉ khoảng 2%. Đặc biệt, 10 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ rau tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng lên đến trên 10%.
Tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu diễn ra phổ biến tại các vựa rau lớn nhỏ |
Trong khi đó, Cục Quản lý nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) cũng từng thông tin, trong tháng 8 và 9/2015, Sở NN-PTNT Hà Nội đã lấy 63 mẫu rau quả kiểm nghiệm đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả, có14/63 mẫu rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép của Việt Nam (chiếm 22,2%).
6 tháng đầu năm nay cơ quan chức năng cũng phát hiện gần 4% mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Thực tế, những con số nêu trên mới phản ánh một phần số lượng rau được lấy mẫu. Còn ở các chợ, nhiều tiểu thương thừa nhận, họ bán đủ loại rau củ quả cả chục năm nay mà chưa bao giờ thấy cơ quan chức năng đến lấy mẫu kiểm nghiệm xem có an toàn không.
Ngoài câu chuyện đáng báo động ở trên, “công nghệ” trồng rau độc nhất vô nhị của người nông dân được truyền thông phanh phui còn khiến mọi người khiếp sợ.
Cụ thể, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, cả một cánh đồng rau rộng hàng chục ha chạy dọc sông Cầu Đá (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm), với đủ loại rau xanh non mơn mởn, được tưới bởi thứ nước sông đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Đó là sông Cầu Đá, con sông nổi tiếng vì ô nhiễm ở Hà Nội. Sau đó, rau từ cánh đồng này chuyển đi cung cấp cho rất nhiều chợ lớn nhỏ ở nội đô.
Thậm chí nhiều nơi còn tưới rau bằng loại nước đen ngòm, bốc mùi hôi thậm hay tưới rau bằng dầu nhớt |
Đáng sợ hơn, đầu năm 2016, tại vựa rau muống lớn ở huyện Củ Chi (TP.HCM), lực lượng chức năng cũng bắt quả tang người dân nơi đây dùng loại dầu nhớt đen sì để tưới lên những ruộng rau muống.
Họ mua nhớt thải với giá 12.000 đồng/lít, phun lên ruộng rau với tỉ lệ 300 ml/1.000 m2 nhằm để diệt rầy.
Trong khi đó, những thông tin về rau “tắm” trong thuốc trừ sâu, "kích phọt" xuất hiện ngày càng nhiều. Ví như, hồi đầu tháng 4/2016, tại vựa rau an toàn trên địa bàn xã Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) - nơi cung cấp lượng rau cần cực lớn cho Hà Nội. Nông dân đã dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí cả thuốc “siêu tăng trưởng HVP-Ga3” - loại phun lên rau giúp lớn cực nhanh, chỉ 3 ngày thu hoạch được.
“Ngậm” đủ chất độc
Như vậy, người dân có quyền đặt câu hỏi: Bó rau non mỡ màng bán ngoài chợ mà chúng ta đang mua về nhà ăn hàng ngày có gì?
Theo PGS TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa), cho biết, tất cả các loại hóa chất bảo vệ thực vật đều độc hại, tuy nhiên, mức độ độc hại còn phụ thuộc vào liều lượng được dùng ít hay nhiều và thời gian cách ly dài hay ngắn.
Nhiều người bất an với những mớ rau non mỡ màng tại chợ |
Có loại thời gian cách ly để phân giải hết hàm lượng độc tố của thuốc chỉ 1 tuần, có loại thời gian cách ly tới cả tháng, thậm chí có loại không thể phân giải (tức loại thuốc bị cấm sử dụng).
Song, trong thực tế, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun lên rau, mọi người thường không tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật, chưa hết thời gian cách ly đã vội thu hoạch về bán.
Theo đó, rau cỏ thường bị tồn dư một lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả, người tiêu dùng mua các loại rau quả đó về ăn, nguy cơ đe dọa lớn đến sức khỏe con người. Thậm chí, nếu tồn dư nhiều và ăn trong thời gian dài còn có nguy cơ gây suy thận, hỏng gan và bị ung thư.
Rau còn được phun thuốc kích thích, “kích phọt” để phát triển siêu tốc, cũng này hết sức nguy hiểm, sẽ gây hại cho sức khỏe người khi sử dụng. Đặc biệt, rau mà sau 3 ngày phun thuốc kích thích đã thu hoạch là quá nhanh, không đảm bảo an toàn. Riêng với rau được tưới dầu nhớt, trồng bằng loại nước đen ngòm có nguy cơ nhiễm các loại kim loại nặng, đặc biệt là chì.
Còn với loại rau muống chẻ (dùng làm rau ăn lẩu, ăn bún,... ) ngâm hóa chất ở Củ Chi để rau giữ màu xanh và tươi lâu mới phát hiện hồi đầu tháng 9 năm nay, BS Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn Việt Nam, khẳng định, đây là phẩm màu dùng trong công nghiệp.
Trong khi, đây là loại rau được nhiều người ưa chuộng, cần sản lượng lớn mỗi ngày nên bản thân rau muống cũng bị các chủ vườn phun nhiều thuốc kích thích, thuốc trừ sâu. Điều này dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc ở người dùng, nhẹ thì xuất hiện các biểu hiện như: Đau bụng, khó tiêu, nổi mẩn ngứa,... nặng hơn là hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn,... phải nhập viện cấp cứu.
Bảo Phương