Trước đó, hôm 2/11, ngày đầu tiên họp tập trung của Quốc hội kỳ này, Chính phủ đã trình dự thảo nghị quyết có tên: “Thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế”.

Nghị quyết này sẽ tháo gỡ vướng rủi ro pháp lý 17 năm qua: Một bộ phận đất quốc phòng, nhất là ở vị trí đắc địa, đang được đưa vào khai thác kinh tế mà luật Đất đai không cho phép.

Từ “kết hợp làm kinh tế”

Mọi việc bắt đầu khi luật Đất đai 1993 lần đầu tiên đưa ra khái niệm “đất quốc phòng, an ninh”, giới hạn theo 9 mục đích sử dụng đất, với chế độ quản lý, sử dụng riêng, khác biệt với phần đất đai còn lại. Trong đó, một trường hợp là đất sử dụng làm các công trình công nghiệp, khoa học, kỹ thuật phục vụ quốc phòng, quốc phòng và có thể “kết hợp làm kinh tế”.

Quân đội, công an có “làm kinh tế” thì cũng chỉ là “kết hợp”, là tạm thời, phụ chứ không phải chính. Vì vậy, nghị định 09-CP/1996 hướng dẫn thi hành luật Đất đai 1993 về chế độ quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh có một điều khoản khá chặt: đơn vị vũ trang “không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn liên doanh”.

Trên cơ sở ấy, năm 1997, liên Bộ Quốc phòng, Nội vụ (nay là Bộ Công an), Tổng cục Địa chính (nay là Bộ TN&MT) ban hành thông tư liên tịch 2708 hướng dẫn chi tiết, thành bộ ba văn bản quy phạm pháp luật về chế độ quản lý đất quốc phòng, an ninh, bao gồm cả phần “làm kinh tế”.

{keywords}
Khu đất quốc phòng 6.000m2 nằm trong dự án khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM

Do hoàn cảnh lịch sử, các đơn vị quân đội quản lý khá nhiều khu đất ở nhiều tỉnh thành, trong đó có những lô đất ở vị trí đắc địa, giá trị thương mại cao. Từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, việc khai thác tài nguyên, nguồn lực đất đai ấy là lẽ thường của nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, công an, quân đội với đặc thù lực lượng vũ trang nhìn chung không được khuyến khích để tham gia vào các hoạt động kinh tế. Việc luật Đất đai 1993 cũng như các văn bản hướng dẫn đề cập tới “kết hợp làm kinh tế” chỉ như thừa nhận một thực tiễn kinh tế - pháp lý đang tồn tại ở một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi, với quân đội “từng bước hiện đại”.

Không phải đất quốc phòng nào cũng "kết hợp làm kinh tế' theo nghĩa đưa ra thị trường tự do.

Đến quá trình “dân sự hóa”

Sau 10 năm thi hành, đến năm 2003, luật Đất đai được sửa đổi theo hướng thị trường hơn, trong đó điều khoản về đất quốc phòng không còn cụm từ “kết hợp làm kinh tế”.

Hướng dẫn luật này, nghị định số 181/2004 có một điều khoản riêng mang tính chất chuyển tiếp. Theo đó khẳng định “đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh phải được sử dụng đúng mục đích đã được xác định”. Những khu đất “không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích” thì UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm thông báo cho đơn vị sử dụng đất. Sau 12 tháng kể từ ngày được thông báo, việc này không được khắc phục thì UBND trong thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn toàn quyền “thu hồi để giao cho người khác sử dụng”.

Quá trình "dân sự hóa" này nhằm không để các lực lượng vũ trang "phân tâm" vào "làm kinh tế", và cũng để thực hiện chủ trương thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về đất đai, mà UBND các tỉnh thành là chủ thể đại diện.

Tuy nhiên, quá trình chuyển tiếp ấy chưa đạt mục đích của nhà làm luật.

Năm 2003 và 2008, Văn phòng Chính phủ đã phát đi hai công văn 1231 và 1869 thông báo ý kiến của Thủ tướng theo hướng đất đang do các đơn vị quân đội quản lý mà chưa sử dụng ngay vào mục đích quốc phòng thì Bộ Quốc phòng có thể bàn giao cho doanh nghiệp quân đội khai thác vào mục đích kinh tế. Bộ Quốc phòng vẫn là chủ hợp đồng với những khu đất mà các doanh nghiệp quân đội đang quản lý, kể cả sau khi cổ phần hóa...

Việc "kết hợp làm kinh tế" vẫn tiếp tục diễn ra như thế cho tới năm 2013 khi luật Đất đai được sửa đổi toàn diện.

Đạo luật này tiếp tục giới hạn các trường hợp được coi là đất sử dụng vì “mục đích quốc phòng, an ninh”, và khẳng định không có ngoại lệ “kết hợp làm kinh tế”.

Cơ chế kiểm soát cũng được nâng lên luật, theo đó Quốc hội giao hai Bộ Quốc phòng, Công an chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành định kỳ thống kê, kiểm kê đất quốc phòng, đất an ninh và gửi báo cáo kết quả về Bộ TN&MT - cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc “thống nhất quản lý nhà nước về đất đai”.

Và lần này, Bộ Quốc phòng thống nhất cao, khi luật có hiệu lực, tháng 7/2014, thì cũng ban hành văn bản dừng tất cả việc chuyển, đưa đất đang do các đơn vị quân đội quản lý vào vòng quay thị trường.

Rủi ro pháp lý

Các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng, Bộ TN&MT cũng như Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự thảo nghị quyết, cho biết vướng mắc hiện nay chính là rủi ro pháp lý liên quan tới các khu đất do quân đội, công an quản lý mà thực tế đã đưa vào “làm kinh tế” trước tháng 7/2014.

“Cho dù đang sử dụng không đúng mục đích thì những phần đất này vẫn đang đóng góp vào phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nguồn thu ngân sách. Không thể vì luật không quy định mà giờ tuyên vô hiệu tất cả” - nguồn tin cho biết.

Vấn đề còn ý kiến khác nhau ở dự thảo nghị quyết này là hai chữ “thí điểm”.

Dự thảo của Chính phủ cũng như góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “thí điểm”, vì các quy định trong đó không có trong luật Đất đai đang có hiệu lực.

{keywords}
Một số lô đất cạnh sân bay Nước Mặn, Đà Nẵng

Tuy nhiên, một số ý kiến bên quân đội thì không muốn hai chữ này, với lập luận: Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế không phải là mới, mà đã nằm trong nội hàm “kết hợp làm kinh tế” của luật Đất đai 1993.

“Tuy nhiên dù thí điểm hay không thì chúng tôi vẫn mong Quốc hội sớm thông qua nghị quyết này. Nhiều tướng lĩnh quân đội thời gian qua bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự cũng có phần vì khoảng trống pháp lý ấy. Lỗi thể chế pháp luật thì giờ cần khắc phục, làm cơ sở để nghiên cứu kỹ hơn khi những năm tới tái khởi động sửa đổi luật Đất đai” - nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nói.

Tin từ Bộ TN&MT cũng xác nhận và cho biết nghị quyết sẽ phải kèm theo yêu cầu rà soát để thúc đẩy quá trình dân sự hóa những phần đất đang do quân đội, công an quản lý mà không sử dụng hoặc đang sử dụng không đúng mục đích.

Theo chương trình làm việc, sau phiên họp chiều 12/11, đến ngày cuối cùng kỳ họp Quốc hội (17/11), các đại biểu dân cử của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất sẽ bấm nút biểu quyết nghị quyết này.

Nghĩa Nhân

Đất đai và quốc nạn tham nhũng

Đất đai và quốc nạn tham nhũng

Quốc nạn tham nhũng ở nước ta có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân hàng đầu là do có quá nhiều lỗ hổng trong pháp luật đất đai.