Tôi làm công nhân, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Vừa rồi kết hôn, hai vợ chồng không có vốn làm ăn nên lấy sổ đỏ của cha mẹ đi vay ngoài, với điều kiện ra phòng công chứng ký ủy quyền toàn phần cho bên cho vay. Đến nay đã 4 tháng nhưng bên kia chưa đưa tiền, cố tình trốn tránh kì kèo. Tôi cũng chưa viết giấy vay nợ, chỉ kí dấu uỷ quyền cho họ. Tôi cần phải làm gì?
Luật sư tư vấn:
Việc dùng hình thức ký uỷ quyền nhằm thực hiện 1 giao dịch khác là giao dịch vay tiền là không đúng ý chí các bên. Bên vay sẽ ra công chứng ký một hợp đồng ủy quyền với bên cho vay, hợp đồng ủy quyền có nội dung uỷ quyền toàn bộ từ việc được cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, mua bán tài sản. Nhiều người vẫn cứ tin tưởng như cách các chủ nợ giải thích, hợp đồng ủy quyền, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà chỉ là hình thức, để đảm bảo cho khoản vay chứ không phải mua bán, chuyển nhượng thật sự. Tuy nhiên, sau khi đặt bút ký vào các văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng ủy quyền khi việc trả nợ vay không đảm bảo, thì nguy cơ mất nhà, mất đất là rất cao.
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Mục đích của 2 bạn là vay tiền (tài sản), còn bên vay muốn giữ giấy chứng nhận QSDĐ để đảm bảo cho việc trả nợ khi đến thời hạn.
Việc bên cho vay yêu cầu bạn đến văn phòng công chứng lập hợp đồng ủy quyền cho bên cho vay được quyền thế chấp, chuyển nhượng QSDĐ là không đúng ý chí của các bên. Mặt khác, nhằm che đậy hợp đồng vay tiền, nếu ký kết hợp đồng ủy quyền về đất đai cũng vô hiệu.
Theo thông tin bạn cung cấp bạn đã viết giấy vay nợ và giấy uỷ quyền, trước mắt để bảo vệ quyền lợi của bên vay, bạn nên đến văn phòng công chứng huỷ Giấy uỷ quyền.
Sau đó bạn liên hệ với bên cho vay để yêu cầu hoàn trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thông tin bạn nêu là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố mẹ bạn, nếu bố mẹ bạn đã uỷ quyền cho bạn sau đó bạn uỷ quyền lại thì nên huỷ giấy uỷ quyền đó. Lưu ý, phải ký hợp đồng đúng quy định pháp luật. Ví dụ, vay tiền thì ký hợp đồng vay tiền, có như vậy quyền lợi của bạn mới được pháp luật bảo vệ.
Nếu bên vay không hoàn trả Giấy chứng nhận, bạn nên khởi kiện tại Toà án để đề nghị tuyên vô hiệu giấy uỷ quyền và giấy vay nợ.
Thạc sỹ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc