Chia sẻ với tờ Business Insider, các chuyên gia quân sự cho rằng phương Tây không nên ngạc nhiên, nếu như không có chiếc xe tăng hay máy bay quân sự nào gửi cho Kiev có thể tồn tại đến cuối xung đột. Ngoài ra, cuộc xung đột với Nga là dữ dội, quy mô lớn, kéo dài, do đó Ukraine cần chấp nhận rủi ro cao, cũng như nguy cơ lớn tổn thất thiết bị.
“Nếu như có chiếc F-16 nào có thể đi đến cuối cuộc chiến, có lẽ chúng đã không được sử dụng ở mức tối đa”, chuyên gia chiến tranh trên không Michael Bohnert tại RAND Corporation cho biết.
"Tôi ghét phải nói như thế. Nhưng chúng ta, với tư cách là phương Tây, phải nhận ra rằng mọi xe tăng Abrams, mọi máy bay F-16 được gửi đi, nếu bất kỳ chiếc nào trong số chúng vượt qua được cuộc chiến, có lẽ chúng chưa được sử dụng hết công suất", ông Bohnert nói thêm.
Các đối tác phương Tây mới chỉ gửi cho Ukraine số lượng nhỏ máy bay chiến đấu và xe tăng. Điều này đồng nghĩa làm hạn chế những việc Ukraine có thể làm với số vũ khí nhận được. Trong khi việc sử dụng tối đa hóa các thiết bị này cũng làm tăng nguy cơ mất thiết bị.
Ông William Alberque, một chuyên gia về chiến tranh tại Trung tâm Stimson, cho rằng nếu các vũ khí "bị phá hủy để Ukraine làm những điều mà họ không thể làm nếu không có chúng, đồng thời gây ra tổn thất lớn cho Nga, điều đó hoàn toàn xứng đáng. Chúng tôi cung cấp vũ khí, và biết sẽ không lấy lại được chúng".
Ông Alberque giải thích thêm, "mọi thứ chúng tôi trao cho Ukraine có thể và sẽ bị phá hủy trong chiến đấu, nhưng ít nhất chúng phải được sử dụng với toàn bộ tiềm năng. Và điều đó đi kèm rủi ro".
Trên thực tế, Ukraine đã mất một số xe tăng Abrams và Leopard, nhiều xe chiến đấu Bradley, và ít nhất một tiêm kích F-16 mới nhận được. Song ông George Barros tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng, việc chỉ ra một vài chiến đấu cơ Ukraine bị phá hủy, và phi công thiệt mạng, sau đó đưa ra kết luận rằng họ không thể làm điều này sẽ là một cách sai lầm khi nhìn nhận mọi việc.
Có thể nói xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến thảm khốc, thương vong cao, và tiêu hao số thiết bị lớn chưa từng thấy ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua. Một cựu binh Mỹ từng chiến đấu ở Ukraine cho biết, nhiều tay súng phương Tây đến Ukraine với suy nghĩ mọi chuyện sẽ diễn ra dễ dàng. Nhưng thực tế, nhiều người đã mất mạng.
Chấp nhận rủi ro nhiều hơn
Quân đội và thiết bị của Ukraine luôn gặp rủi ro trong quá trình làm chậm đòn tấn công của Nga, hoặc phá vỡ hàng phòng thủ của Moscow. Điển hình, Ukraine đã mất chiếc F-16 đầu tiên trong một nhiệm vụ phòng không nhằm bảo vệ các thành phố khỏi loạt tên lửa Nga tấn công.
Theo ông Alberque, đối với Ukraine, rủi ro là cần thiết. "Bạn có thể đảm bảo bạn sẽ không mất chiếc F-16 nào, nếu bạn không sử dụng và giữ chúng trong các hầm chứa sâu dưới lòng đất, song như vậy còn ý nghĩa gì?", ông Alberque nói.
Với số lượng nhỏ tiêm kích F-16, và khoảng vài chục chiếc xe tăng Abrams, đôi khi Ukraine phải thận trọng trong quá trình sử dụng. Song theo ông Alberque, Ukraine nên chấp nhận nhiều rủi ro hơn.
Ông Bohnert cũng cho rằng, phương Tây nên "cởi trói" các quy định liên quan tới việc Ukraine sử dụng vũ khí được viện trợ. Theo ông, phương Tây không nên hạn chế cách Ukraine sử dụng F-16. Trong khi Đan Mạch, một trong những quốc gia cung cấp F-16, tuyên bố Kiev có thể tấn công Nga bằng F-16 mà họ cung cấp, nhưng các đồng minh khác lại không cùng quan điểm.
Đặc biệt, các xe tăng và tiêm kích Ukraine nhận được cũng không phải là những hệ thống hàng đầu, và phương Tây hoàn toàn có thể chấp nhận rủi ro khi để Kiev sử dụng chúng. Điển hình, xe tăng Abrams chuyển cho Ukraine là mẫu cũ không có giáp nâng cấp. Ngay cả tiêm kích F-16 cũng là mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 4, trong khi các nước phương Tây đã chuyển sang tiêm kích thế hệ thứ 5, hoặc đang nghiên cứu các tùy chọn thế hệ thứ 6.
"Chúng ta không trao cho họ những thứ tốt nhất. Chúng ta trao cho họ những thứ mà chúng ta nghĩ đủ khả năng để cho đi. Và đối với nhiều nước châu Âu, đây là những thứ mà họ đã quyết định thay thế", ông Alberque nhấn mạnh.