- Thông tin về các hoạt động văn hoá lễ hội, chợ phiên, địa chỉ ăn nghỉ tại cộng đồng, kinh phí, điều kiện sinh hoạt,... tại Hà Giang đều rất ít ỏi trên Internet, mạng xã hội. Đây là một trong những rào cản khiến cho khách du lịch nước ngoài ngần ngại khi tới Hà Giang.
Chán lễ hội tiền tỷ, du lịch phượt lên ngôi
Du lịch Việt sẽ mất lượng lớn khách du lịch tàu biển
Sợ ở nhà dân
Bản Lô Lô chải có 3 hộ làm du lịch cộng đồng theo mô hình homestay. Thế nhưng, số du khách đến ở nhà các hộ dân chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đơn cử, chỉ tính riêng tháng 11/2014, có khoảng 2.508 đoàn với 14.853 khách đến tham quan cột cờ Lũng Cũ. Song, trong suốt cả tháng, 6 hộ làm dịch vụ homestay tại Lô Lô Chải và Thèn Pả chỉ đón được 23 lượt khách đăng ký nghỉ.
Mùa du lịch từ tháng 9 của năm trước tới tháng 4 của năm sau, mỗi tháng, cũng chỉ có hơn chục đoàn khách đến ăn nghỉ. Con số đó quá ít ỏi so với hàng vạn lượt khách đến Hà Giang mỗi năm.
Theo khảo sát, khách Tây lo lắng nhất khi trải nghiệm cuộc sống với người dân bản địa là điều kiện ăn ở, tắm giặt chưa đảm bảo vệ sinh, tiện nghi thiếu thốn, nên không giữ chân họ ở lại lâu dài. Hầu hết nhà cộng đồng ở Hà Giang chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách. Có mô hình homestay thiết kế hiện đại thì lại không phù hợp với khung cảnh và nhu cầu của du khách.
Tiếng nước ngoài của dân bản “một tiếng cũng không biết” khiến khách Tây e dè. Đây là điểm khác biệt lớn nếu so với mô hình du lịch cộng đồng ở Sapa, khi người H’mông có khả năng giao tiếp tiếng Anh khá tốt. Khách du lịch có thể trực tiếp tìm hiểu văn hoá địa phương và trải nghiệm cuộc sống với cộng đồng mà không cần phiên dịch. Chưa kể, năng lực kinh doanh du lịch và làm dịch vụ của đồng bào dân tộc còn hạn chế.
Hạn chế khác là sản phẩm văn hoá còn nghèo nàn, chưa hút khách. Muốn xem những chương trình đặc sắc, du khách và công ty lữ hành phải biết lịch diễn ra sự kiện mới có cơ hội được tham dự. Trong khi đó, cộng đồng lại không có thông tin gì về vấn đề này trên web du lịch, hay có một trang riêng trên mạng xã hội.
Khách Tây lo lắng nhất khi trải nghiệm cuộc sống với người dân bản địa là điều kiện ăn ở, tắm giặt chưa đảm bảo vệ sinh, tiện nghi thiếu thốn... |
Thực tế, chương trình tham quan tại Hà Giang cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc khá giống nhau: thăm bản dân tộc, ngắm phong cảnh hùng vĩ của núi rừng,... chính đều này đã làm cho khách du lịch thấy lặp lại, dẫn đến dễ nhàm chán, thiếu nét đặc sắc riêng.
Về khả năng lưu trú, Hà Giang chỉ có duy nhất 1 khách sạn 3 sao, 31 khách sạn từ 1-2 sao, còn lại là nhà nghỉ. Phần đông nhân sự tại nhà hàng, khách sạn lại chưa qua đào tạo; không ít doanh nghiệp còn làm ăn theo kiểu “bán những gì mình có chứ không bán theo nhu cầu” - các đơn vị lữ hành phàn nàn.
Do điều kiện giao thông, phương tiện vận chuyển thường bằng ô tô loại nhỏ, hạn chế số lượng khách dẫn tới chi phí tour thường cao.
Đặc biệt, khách miền Nam gặp nhiều bỡ ngỡ khi khi có sự phân biệt đối xử, thiên vị và nói “không” trước nhu cầu chính đáng của khách.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ TP.HCM, cho hay, khách lên Đồng Văn chỉ tập trung vào dịp cuối tuần. Khách sạn, nhà hàng ăn uống đều quá tải, thậm chí phải huy động nhà dân để bố trí khách ngủ qua đêm. Nhưng ngày thường, số lượng khách giảm rõ rệt.
Đừng bỏ phí mỏ vàng
Bỏ ra chi phí cao gấp 3-4 lần so với khách miền Bắc, lại phải ra tận vùng đất xa xôi, hiểm trở, hệ thống du lịch còn thấp kém nhưng khách du lịch miền Nam vẫn chấp nhận để được tới Lũng Cú - vùng cực Bắc, biên cương của tổ quốc hay ngắm nhìn thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ của Hà Giang. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch Đồng Văn nói riêng cũng như Hà Giang nói chung.
Hà Giang cần xây dựng môt thương hiệu riêng để đánh thức sự nhận biết của khách du lịch, công chúng cũng như thể hiện bản sắc riêng của mình. |
Quần thể công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cùng 22 tộc người sinh sống với nhiều tập quán phong tục, văn hoá truyền thống dân gian đặc sắc, Hà Giang như một “mỏ vàng du lịch” độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không biết khai thác thì du lịch Hà Giang khó có thể hấp dẫn khách, nếu chỉ mãi dựa vào đá và đá.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Hà Giang cần xây dựng môt thương hiệu riêng để đánh thức sự nhận biết của khách du lịch, công chúng cũng như thể hiện bản sắc riêng của mình. Một thương hiệu với thông điệp định vị rõ ràng, hay một hình ảnh tích cực sẽ giúp Hà Giang chiếm được một vị trí nhất định trong tâm trí du khách khi họ quyết định tới Hà Giang.
Việc liên kết với các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc sẽ cho phép khai thác những lợi thế so sánh của Hà Giang và các địa phương trong vùng, tạo nên sức hấp dẫn về du lịch đa dạng. Việc liên kết đồng thời sẽ góp phần hạn chế tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch hiện nay giữa Hà Giang và các tỉnh lân cận.
Một trong những vấn đề quan trọng là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để quảng bá phát triển du lịch. Hà Giang cần có logo du lịch, đăng ký trên website Tổng cục Ddu lịch, quảng bá phát sóng trên truyền hình và các bài viết trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Theo thống kê, năm 2014, Hà Giang đón 650.000 lượt khách, tăng 25% so với năm 2013, trong đó khách quốc tế đạt 120.000 lượt; doanh thu đạt gần 600 tỷ đồng. Có thể nói, tỉnh đang có nhiều cơ hội trong việc phát triển du lịch cũng như liên kết phát triển du lịch với các địa phương lân cận. Tuy vậy, còn nhiều việc cần phải làm để Hà Giang thực sự nổi bật trong mạng lưới du lịch khu vực Đông Bắc, với cả nước và ra quốc tế.
Duy Anh