Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một nước nghèo đã trở thành một trong những nước có thành tích phát triển ấn tượng nhất. Nhưng đã qua rồi giai đoạn “ngủ say trên chiến thắng”, Việt Nam phải bắt tay vào công cuộc cải cách kinh tế nếu không muốn bị tụt hậu xa hơn về kinh tế.

Hết nghèo đói, nhưng bao giờ giàu lên?

Từ một nước nông nghiệp thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, với mức GDP bình quân đầu người chỉ 98 USD, Việt Nam đã gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp năm 2011.

Đến 2015, GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt mức hơn 2.100 USD theo số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê.

Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo điểm lại bước nhảy của Việt Nam 30 năm qua đã dành nhiều “mỹ từ” miêu tả thành tích tăng trưởng của Việt Nam. Một trong số đó là Việt Nam đã giảm tỷ lệ nghèo cùng cực từ gần 60% trong những năm 1990 xuống dưới 3% vào năm 2016.

{keywords}

Đó cũng là những dẫn chứng được nhiều tổ chức quốc tế đưa ra khi nhắc đến hành trình đột phá của Việt Nam.

Thế nhưng, 30 năm đổi mới cũng là khoảng thời gian đủ dài để nhìn thấy những “căn bệnh” đang tiềm ẩn trong cơ thể nền kinh tế. Nếu không chẩn bệnh và kê đơn điều trị đúng thuốc, đúng liều thì khó lòng giữ được thành quả bao năm qua.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trong một nghiên cứu đã liệt kê một loạt "căn bệnh" của nền kinh tế. Đó là sự méo mó của thị trường gây ra bởi sự độc quyền và đặc quyền của DNNN, sự yếu kém của hệ thống tài chính và những nút thắt cơ chế, kỹ năng thấp của nguồn nhân lực, chi phí vận tải đắt đỏ, tiếp cận tín dụng, năng lượng và đất đai khó khăn…

“Việc lựa chọn sai mô hình phát triển có thể đưa đất nước đi ngược lại tiến trình phát triển và sẽ tụt hậu ngày càng xa hơn”, ông Trần Đình Thiên cảnh báo.

“Nguy cơ Việt Nam tụt hậu đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi các nước ngày càng phát triển, khoa học công nghệ thay đổi từng ngày” - là tâm sự của một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi chủ trì hội thảo lấy ý kiến cho một đề án tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế mới đây.

Lời tâm sự ấy cũng đã được nói nhiều, nhắc nhiều và giải pháp đưa ra cũng không ít. Vài năm nay, cụm từ “đổi mới mô hình tăng trưởng” cũng được các bộ ngành và các học giả nói đi nói lại.

Thế nhưng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan vẫn nhắc lại cảnh báo: “Nói mãi đổi mới mô hình tăng trưởng mà không đổi mới được. Nói mãi 3 đột phá chiến lược thì mãi không đột được, trừ hạ tầng có biến chuyển nhưng vẫn đầy vấn đề ngổn ngang”.

“Đổi mới không chỉ là rời bỏ vốn, tài nguyên mà còn rời bỏ tư duy dựa vào kinh tế nhà nước”, bà Lan nhấn mạnh và băn khoăn khi ở đâu cũng nói đến tăng trưởng GDP mà không đề cập đến chất lượng tăng trưởng.

Chung quan điểm này, ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế và chính trị thế giới cho rằng: 'Một nền kinh tế thị trường thì tư nhân phải là chủ yếu".

Đó là chưa kể liên kết vùng gần như không có. “Mỗi tỉnh là một nền kinh tế độc lập, ông nào cũng đủ cả công nghiệp, nông nghiệp, sân bay, bên cảng... dù bé tý”, ông Lược nói.

Đừng chần chừ nữa!

Theo bà Phạm Chi Lan, chúng ta vẫn quen đổi mới mô hình tăng trưởng theo kiểu thực hiện tuần tự. “5 năm vừa rồi đã tuần tự rồi, đã rón rén rồi thì 5 năm tới sẽ không thể thay đổi được nếu vẫn đi thế, rồi lại tụt hậu xa hơn”.

“Ở đâu cũng rón rén, ngó nghiêng nhau thì không thể tăng trưởng được”, bà Lan thẳng thắn.

{keywords}

Ông Võ Đại Lược cho rằng: Một trong những yếu tố quyết định của chuyển đổi mô hình tăng trưởng là phải trọng dụng nhân tài. Nếu toàn người kém, mà lại soạn ra nghị định thì làm sao mà chất lượng được. Hiện nay, Việt Nam đủ các loại văn bản, Nghị định mà thể chế kinh tế vẫn kém. Ở đây là người kém không thể đổi mới.

Vị chuyên gia này không khỏi băn khoăn khi “mấy trăm thủ khoa mà tuyển được khoảng 10%, làm được vài 3 năm họ ra ngoài”. Học trò của tôi học Havard không ai về Việt Nam, họ ở lại nước ngoài. Tại sao?”, ông Lược để câu hỏi ngỏ.

Hiến pháp năm 1992 và 2013 đã xác định các mục tiêu to lớn và đầy khát vọng trong tương lai của Việt Nam, đó là “dân giàu, nước mạnh”. Đảng, Chính phủ đặt mục tiêu về tăng trưởng GDP bình quân đầu người 7%/năm đã phản ánh khát vọng đó. Tốc độ đó sẽ giúp Việt Nam có cơ hội trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 như Malaysia hiện nay và Hàn Quốc vào giữa thập niên đầu của thế kỷ 21.

Ngân hàng Thế giới nhận định mục tiêu này là hết sức tham vọng vì nó vượt xa mức tăng trưởng trước đây của Việt Nam và chỉ có rất ít quốc gia trên thế giới đạt được. Vậy nên, đã không còn chỗ cho sự chần chừ, lưỡng lự, phải nỗ lực, phải quyết tâm lắm Việt Nam mới có thể tiến về phía trước, để không bị bỏ lại phía sau.

Lương Bằng