- Nhìn gương mặt nhợt nhạt với ánh mắt vô hồn, ngây dại của những người con bị di chứng chất độc da cam của vợ chồng ông Mứt - bà Chế, chúng tôi không cầm được nước mắt…
Chúng tôi tìm về gia đình của ông Nguyễn Văn Mứt và bà Nguyễn Thị Chế (xã Tri Thủy, Phú Xuyên, Hà Nội) vào một trưa hè nắng gắt. Căn nhà cấp 4 của họ nhỏ bé và sơ sài, trong nhà không có đồ đạc giá trị, phía trái nhà là một căn buồng nhỏ.
Trong buồng, một người đàn ông gầy gân guốc vẫn nằm liệt giường. Đôi mắt anh mở to liên tục nhìn lên trần nhà nhưng không thể trò chuyện. Phía vườn, một người đàn bà cầm theo chiếc gậy cứ lom khom kiếm tìm một thứ gì đó. Thỉnh thoảng, chị lại cúi xuống, nhặt một viên gạch đặt sang một chỗ khác…
Đó chính là hai người con bị nhiễm chất độc da cam của ông Nguyễn Văn Mứt và bà Nguyễn Thị Chế. Người đàn ông nằm liệt trên giường là anh Nguyễn Văn Cống (SN1979) và người phụ nữ đang thơ thẩn như một đứa trẻ ngoài vườn kia là chị Nguyễn Thị Soán (SN 1983).
Do ảnh hưởng của chất độc da cam từ người cha đi chiến trường, anh Nguyễn Văn Cống (SN 1979) không biết nói, cũng không thể giúp đỡ bố mẹ bất cứ công việc gì. Trái gió trở trời anh lại nằm liệt giường buộc bố mẹ phải phục vụ tất cả mọi việc |
Thấy khách đến, người mẹ già gọi chị Soán vào nhà để chúng tôi gặp gỡ nhưng chị Soán chỉ quay lại cười bẽn lẽn rồi nhanh chóng lỉnh ra góc vườn khác. Một lúc sau, chị tiến về phía cánh cửa bếp, đập sầm sầm rồi ra vẻ tức tối vì không thể mở khóa…
Bà Chắt bảo: "Em nó cứ thế, lúc nào cũng lần tìm cái gì đó hay không vừa ý chuyện gì là đập phá, cáu gắt thậm chí là gây lộn, đánh đấm". Nói xong bà giơ cánh tay của mình ra rồi thở dài. Hơn 30 năm nay, cánh tay gầy gân guốc ấy đã không biết bao nhiêu lần bị gẫy, bị trật khớp vì con gái.
“Cứ bực lên là con lao vào rồi cầm lấy tay tôi mà bẻ. Bẻ xong tôi chữa khỏi cháu lại bẻ tiếp. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi phải nhốt con lại trong buồng, cổng khóa 24/24 hoặc ít nhất là cũng phải cài then. Nếu không Soán thoát được ra ngoài lại đi lung tung rồi lao vào người ta mà đánh thì đến khổ cho nhà tôi” - bà Chế nói tiếp.
Khá hơn anh Cống, chị Soán có thể đi lại, vận động nhưng cũng không biết nói, không ý thức được việc mình làm. Thỉnh thoảng chị lại hung hăng tấn công cả người nhà |
Theo lời kể của bà Chế, hai vợ chồng bà sinh được 6 người con. Anh Cống và chị Soán được sinh sau khi ông Mứt từ chiến trường miền Nam trở về nên chỉ có hai anh chị bị ảnh hưởng chất độc màu da cam.
“Lúc mới sinh thằng Cống, tôi không nghĩ con mình bị bệnh nhưng hơn một năm trời nuôi nấng và chăm bẵm, ở cái tuổi con người ta đã biết ngồi, biết bò, thậm chí biết đi, biết nói, Cống chỉ biết khóc, biết cười. Đặt đâu cháu nằm đấy, cho gì thì ăn nấy. Cháu không biết đòi, cũng không hề có dấu hiệu tập đi, tập nói.
Người dân trong làng không biết đó là bệnh gì. Họ khuyên tôi đi lễ, rồi khuyên tôi mang con ra mộ mà kéo quanh mộ… để chữa mẹo. Tôi cũng làm theo, nhưng làm xong vẫn chẳng thấy kết quả đâu. Cuối cùng đưa con đến bệnh viện, tôi mới biết con mình bị bệnh".
Bà nói tiếp trong dòng nước mắt: "Về nhà tôi kiên trì nuôi nấng, dạy dỗ con. Gần 3 tuổi thì Cống biết đi nhưng không thể nói. Cháu cứ ú ớ và không biết gì từ đó cho đến nay. Đến lượt Soán cũng vậy. Cũng gần ba năm mới biết đi nhưng nói thì không biết nói. Đầu óc cứ ngây dại”.
Bà Nguyễn Thị Chế không kìm được xúc động khi kể về cuộc đời của mình và hai đứa con bị ảnh hưởng chất độc da cam |
Sau khi biết chắc hai đứa con của mình không giống những đứa trẻ bình thường khác, bà chỉ biết ôm con mà khóc. Khóc cho số phận và khóc vì những lời đàm tiếu của người người đời.
“Người ta bảo tôi ăn ở kiểu gì mà đẻ ra hai đứa con như vậy? Tôi cũng chỉ biết im lặng mà chịu đựng cho số phận của mình” - bà nói.
Chịu điều tiếng từ người đời nhưng vì đông con nên tuổi trẻ vợ chồng bà cứ lăn xả với đồng ruộng để kiếm cái ăn, cái mặc cho cả nhà. Bây giờ, 4 đứa con lớn đã dựng vợ gả chồng và sống tách hộ nên ruộng đất trả lại cho các con. Ông bà chỉ còn lại 3 sào ruộng. Nhưng 3 sào ruộng ấy ông bà cũng không tự cấy hái được nữa.
“Thu nhập gia đình chúng tôi bây giờ (bao gồm hai vợ chồng già và hai người con mắc di chứng) trông hoàn toàn vào đồng lương hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam của nhà nước và vài sào ruộng cho người ta thuê, mượn. Các con lớn phía trên không khá giả nên cũng chẳng giúp đỡ được bố mẹ nhiều. Hai ông bà thì già yếu, quay ra với đứa con đang hung hăng ngoài vườn rồi lại quay vào với đứa con đang nằm liệt trên giường cũng hết ngày’ – bà Chế nói.
Người thân thuyết phục chị Soán vào nhà, thôi ra ngoài quậy phá |
Bà vừa nói xong thì chị Soán chạy về phía cửa bếp. Lần này, chị không đập cửa mà lôi tất cả đồ đạc xuống rồi ném đi. Bà Chế phải chạy lại để can ngăn con nhưng bị chị Soán phản ứng bằng cách vật tay. Sau đó, nhờ có người chị cả chạy đến can ngăn, người con gái ấy mới cười ngây dại rồi bỏ đi chỗ khác.
Nhìn nụ cười ngây dại của chị, ánh mắt vô hồn của anh Cống và gương mặt khắc khổ của bà mẹ già nhiều người không cầm được nước mắt. Những mảnh đời bất hạnh ấy đang cần lắm sự quan tâm, chia sẻ của các nhà hảo tâm để xoa dịu đi phần nào nỗi đau da cam vẫn đang hằn sâu trong cuộc đời này...
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: 1. Gửi trực tiếp: Gia đình ông Nguyễn Văn Mứt và bà Nguyễn Thị Chế (thôn Hoàng Nguyên, xã Tri Thủy, Phú Xuyên, Hà Nội) 2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ gia đình ông Nguyễn Văn Mứt ở Phú Xuyên, Hà Nội. Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội - Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER - The currency of bank account: 0011002643148 - Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM - Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam - SWIFT code: BFTVVNV X - Qua TK ngân hàng Viettinbank: Chuyển khoản: Báo VietNamnet Số tài khoản: 102010002381523 Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa - Chuyển tiền từ nước ngoài: Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch - Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội - Swift code: ICBVVNVX126 3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet: - Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11, Q10, TP.HCM. ĐT: 08 3818 1436 |
Minh Anh - N. Trang