- Đọc loạt bài về vấn đề nợ xấu: ‘Rối bời xử lý nợ xấu’; ‘Nợ xấu ngân hàng khủng khiếp như thế nào?’; ‘Mua nợ xấu: Cứu ai và cứu cái gì?’; ‘Lập công ty mua bán nợ xấu để làm gì?' nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Đã đủ cơ sở để bàn chuyện lập Công ty xử lý nợ?

Email [email protected] băn khoăn: “Chúng tôi đọc bài mua bán nợ xấu vì ai, lấy tiền ở đâu ra? Thì càng hiểu thêm trong xã hội của chúng ta hiện nay đã hình thành nhiều nhóm lợi ích, mà vấn đề quyền lợi của người dân không được đề cập đến. Lãi suất tiết kiệm giảm còn 9%/1năm, trong khi đó ngân hàng cho các đối tượng trong xã hội vay không phải 13-17%/1năm đâu, họ đưa ra nhiều điều kiện khiến DN muốn vay vốn không tiếp cận được. Họ nói trước thiên hạ là cứu nền kinh tế, cứu doanh nghiệp, nhưng thực ra họ chỉ tìm cách thu của dân, của DN và của nhà nước cho… đầy túi mà thôi.”

Bạn Tuấn (email [email protected]) hoài nghi: “Cái số liệu hơn 10% này là do cách tính nợ xấu của VN...không theo chuẩn.

Ảnh minh họa: Nguồn LĐ
Nếu tính theo chuẩn quốc tế thì lãi không trả 2 tháng liên tiếp thì toàn bộ số nợ sẽ bị tính là nợ xấu. Anh nợ 100.000$ phải trả mỗi tháng là 5.000 chẳng hạn, nếu quá 2 tháng mà anh không trả được tiền lãi là 10.000 thì cả 100.000$ sẽ bị tính là nợ xấu. Còn ở VN thì lại chỉ tính số lãi không trả đó là nợ xấu, tức là chỉ có 10.000$. Nếu tính theo đúng chuẩn quốc tế thì nợ xấu của ta còn… khủng khiếp hơn nhiều!”

Câu hỏi bật ra của email [email protected]: “Tại sao phải cứu NH trong khi NH lãi khủng, lương cao ngất trời? NH chỉ là công cụ bình ổn nền kinh tế không tạo ra của cả . Nếu không hạn chế được lợi nhuận của ngành ngân hàng thì dần dần nền kinh tế giống như...người suy dinh dưỡng gầy giơ xương, đầu to, chân tay bé tẹo!”

Bạn Chân Thực (email [email protected]) phụ họa: “Nếu muốn mua 100 ngàn tỷ thì chỉ cần 30 ngàn tỷ tiền vốn, vậy sao lại phải bàn công ty 100 ngàn tỷ, không gắn với thực tiễn kinh tế thị trường?”

Email [email protected] cảnh báo: “Mua nợ xấu, đừng làm như kiểu trích lập quỹ bình ổn giá ‘cốc mò cò xơi’. Coi chừng nhóm lợi ích lạm dụng, hưởng lợi trên những người mang danh được… bình ổn!”

Bạn Anh Tế (email [email protected]) cho rằng: “Việc đầu tiên phải có phân tích kỹ lưỡng dữ liệu xem có cần phải xử lý nợ hay không đã. Theo quy định thì NH phải lập dự phòng nợ xấu, thực tế NH vẫn còn lợi nhuận cao, vậy nợ xấu nhiều ở đâu? Lập công ty mua bán nợ xấu để làm gì? Chỉ tăng thêm lợi ích cho NH. Vậy vấn đề cần thiết là có cơ chế hướng dẫn xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng đó và lợi nhuận của NH. Phải đủ cơ sở mới bàn tới chuyện lập Công ty xử lý nợ. Mọi việc nôn nóng, định tính, hồ đồ chỉ làm thiệt hại nền kinh tế.”

Giải quyết nợ xấu không chỉ là tiền mà là vấn đề con người?

Bạn Phan Bảo Lâm (email [email protected]) phân tích: “Giải quyết nợ xấu không chỉ là vấn đề tiền mà còn là vấn đề con người. Khoản nợ xấu 13% không phải tất cả là ‘xấu’ nếu điều tra kỹ. Đa số người vay không trả được nợ ngân hàng chủ yếu là vì ....người khác cũng nợ họ và không chịu trả, tóm lại là nợ lòng vòng. Nếu điều tra kỹ, khấu trừ nợ từ người này qua người kia cho đến cuối cùng thì khoản 13% ở trên có thể sẽ chỉ còn 3 - 4% mà thôi. Trong khoản 3 - 4% này chắc chắn có ít nhất 75% có liên quan đến ‘tiêu cực’. Giải quyết nợ xấu mà không giải quyết tiêu cực có liên quan đến nợ xấu thì không bao giờ giải quyết được. Hàn quốc có thể giải quyết được nợ xấu vì họ không nương nhẹ các vấn đề tiêu cực.

Trăm sông đều đổ về biển thì mọi nợ xấu đều đổ về tiêu cực. Nhà nước không chịu đau mà thanh lọc những tiêu cực này thì không bao giờ giải quyết được nợ xấu.

Khi tôi nhấn mạnh về ‘thể chế con người’ thì có bạn đọc cho rằng các DNNN lỗ lã tiêu cực nọ kia là vì vấn đề sở hữu Nhà nước. Thật buồn cười. Nhà nước đâu phải là ông A hay ông B nào đó 1 cách xác định mà bao gồm rất nhiều người và tổ chức. Không có thể chế con người thì dù ông A ông B có ra tòa vì tiêu cực cũng sẽ có hàng nghìn ông A ông B khác thay vào rồi lại tiếp tục tiêu cực. Xây dựng được thể chế con người thì sẽ không còn những ông A ông B tiêu cực nữa vì ‘không dám, không thể và không có điều kiện’. Vừa có dấu hiệu tiêu cực là bị thanh tra, là buộc phải giải trình, giải trình không hợp lý nhẹ thì mất chức nặng thì đi tù ai còn dám tiêu cực nữa.
Nhà nước trong sạch thì nền kinh tế cũng trong sạch. Nhà nước tiến bộ thì nền kinh tế cũng tiến bộ. Cái sự trong sạch và tiến bộ ấy làm sao có thể phát sinh ra nợ xấu được?”

Quan điểm của Phan Bảo Lâm được email [email protected] chia sẻ: “Thực ra dân trí của người Việt đã cao hơn rất nhiều chứ không còn như cái thời xưa nữa: Tại sao những người lính áo vải chân đất lại đánh thắng được đế quốc, thực dân được trang bị quân nhu vũ khí hiện đại gấp trăm lần Việt nam? Đó là nhờ Con Người. Tại sao Nhật Bản bị khủng hoảng về sóng thần và hạt nhân khủng khiếp như vậy nhưng vẫn phục hồi mạnh mẽ thế? cũng là nhờ Con Người. Vấn đề kinh tế hiện nay cũng vậy, tất cả mọi người đều hiểu gốc rễ căn nguyên của vấn đề nhưng làm sao có thể thay đổi được? Không ai trả lời được vì đó cũng là vấn đề của Người dân Việt Nam.”
Email [email protected] tiếp cận vấn đề từ góc độ khác: “Nợ xấu, thực ra NHTM đã và đang tự xử rồi! Bằng cách gia hạn nợ, đảo nợ (khách tự đảo hoặc NH đảo ‘giúp’), thông báo phát mại tài sản..Nhưng chắc còn nhiều NHTM vẫn còn quá nhiều nợ xấu nên đành ‘kêu cứu’ NHNN! Nhưng tiếng kêu cứu đó có thật không? God-know!

Việc tổ chức Công ty mua bán nợ, NHNN có quản lý nổi và liệu có thất thoát vốn không?

Mua bán nợ xấu giá cả như thế nào? Ai quyết định giá món nợ đó? Mua xong mà ‘con nợ’ vẫn lăn ra ‘chết’ hoặc có sự thông đồng yêu cầu ‘phải chết’ thì Công ty mua bán nợ lại bị ‘lỗ’ tiếp! Cụt vốn! Tham nhũng sẽ xuất hiện!

Trong các ‘con nợ’ xấu, có DN vừa và nhỏ với số vay chiếm tỷ lệ nhỏ và thường có tài sản đảm bảo của chính họ. Còn các ‘con nợ’ khủng thường là DNNN, DN BĐS, DN vệ tinh của mấy đại gia NH. Nếu Cty mua bán nợ xấu vào cuộc, các đại gia NH đó lại một lần được hưởng lợi lớn!

Tại sao NHNN cứ phải khẳng định là không được NHTM nào đổ vỡ, trong khi ở nhiều nước, NH phá sản là chuyện rất bình thường?”

“Với mức nợ xấu như thế này thì trong thời gian tới việc sáp nhập và mua lại các ngân hàng sẽ diễn ra cộng với cuộc đua lãi suất huy động, một số ngân hàng sẽ mất thanh khoản. Do đó việc sáp nhập và mua lại sẽ càng diễn ra mạnh mẽ. Hẳn đây là chính sách của Ngân hàng nhà nước nhằm tạo ra môi trường tín dụng lành mạnh”, đó là dự báo của email [email protected].

Ban Bạn đọc