Trên những băng chuyền vận chuyển ồn ào, tấp nập tại một nhà máy bia hàng đầu Nhật Bản, hàng ngàn vỏ lon đã nhanh chóng được rửa sạch, rót đầy bia, đóng nắp rồi xếp vào thùng gọn gàng, chính xác tuyệt đối với tốc độ chóng mặt.
Robot - Linh hồn trong bức tranh tự động hóa của Nhật Bản
Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong việc sản xuất và sử dụng robot. Ở đất nước này không khó để bắt gặp những người máy đang làm việc.
Phân xưởng sản xuất của nhà máy Ashasi.
Tại phân xưởng sản xuất của nhà máy bia Ashasi, với hệ thống băng chuyền cùng những cánh tay robot, hàng ngàn vỏ lon đã nhanh chóng được rót đầy bia, đóng nắp rồi xếp vào thùng. Nếu như cách đây vài thập niên, công việc vốn khá rườm rà này đòi hỏi phải có nhiều công nhân đảm nhận thì nay chỉ cần một nhân viên quản lý là đủ. Nhờ được lập trình với độ chính xác cao, hệ thống thiết bị tự động này có thể hoàn thành khoảng 1500 sản phẩm trong vòng 1 phút.
Anh Shinichi Uno - Người quản lý hãng bia Asahi, cho biết: "Đối với những công việc cần phải thực hiện liên tục, lặp đi lặp lại, robot sẽ thực hiện tốt với độ chính xác cao, tuy nhiên chúng không thể phân tích điều kiện sản xuất và đây chính là phần việc của chúng tôi."
Anh Shinichi Uno đang làm nhiệm vụ của mình.
Không chỉ góp mặt tại các nhà máy, công xưởng, robot còn phổ biến trong rất nhiều lĩnh vực tại xứ sở hoa anh đào.
Tại khách sạn Hen-na ở thủ đô Tokyo, hàng chục robot được bố trí khắp nơi. Mỗi robot đảm nhận một vai trò khác nhau nhằm hỗ trợ tối đa cho khách hàng. Khi bước vào khách sạn, du khách sẽ được chào đón bởi một cô robot xinh đẹp. Sau đó một chú robot khủng long thân thiện sẽ hỗ trợ làm thủ tục nhận phòng. Nhờ vào một hệ thống hiện đại nhận dạng khuôn mặt, sau khi đăng ký phòng, du khách sẽ được phép ra vào phòng thoải mái mà không cần đến chìa khóa.
Robot lễ tân xinh đẹp và thân thiện.
Tuy có hạn chế là không biết gọi xe taxi nhưng robot gác cửa tại khách sạn này có thể giới thiệu các món điểm tâm hoặc thông tin về sự kiện nổi bật ở Nhật Bản bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật. Ngoài ra nhờ sự trợ giúp của robot, khách hàng tại đây cũng không cần phải nhọc công mang hành lý.
Sự hòa hợp giữa con người và robot
Trong vài thập niên gần đây, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số, do tỉ lệ sinh thấp. Quốc gia này cũng đang đứng trước nguy cơ bị thiếu hụt lao động. Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến lực lượng lao động ở Nhật không hề tỏ ý phản đối sự tham gia của những đồng nghiệp bằng sắt. Những cuộc tranh luận về viễn cảnh robot sẽ cướp đi việc làm của công nhân chưa hề xuất hiện tại đất nước này.
Trên thực tế, từ những năm 1990, các công ty Nhật đã đưa hàng loạt robot vào sử dụng. Chỉ tính riêng ở lĩnh vực sản xuất ô tô có đến 1562 robot trong tổng số 10.000 công nhân, trong khi đó, số robot làm việc ở lĩnh vực này tại Mỹ và Đức lần lượt là 1.091 và 1.133. Trong các ngành khác, Nhật Bản cũng đi đầu với 219 robot/10.000 công nhân, so với 76 của Mỹ và 147 của Đức.
Điểm đáng chú ý là tuy một số công việc đã được tự động hóa nhưng các công ty của Nhật vẫn giữ nhân công dù khả năng của họ đã trở nên lỗi thời. Họ sẽ được đào tạo để làm nhiệm vụ khác.
"Giới công nghệ Nhật Bản gọi đây là sự hòa hợp giữa công việc và máy móc. Công việc sẽ được phân bổ cho người hay robot còn tùy vào mức độ hoàn thành của các bên", ông Koichi Iwamoto, Viện nghiên cứu kinh tế, thương mại và công nghệ Nhật Bản, nói.
Không thể phủ nhận rằng tự động hóa đã giảm nhu cầu nhân công có tay nghề thấp nhưng theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, xu hướng việc làm gần như không thay đổi ở Nhật Bản từ năm 2002 đến năm 2014.
Điều đó có nghĩa là các công ty ở Nhật Bản đã không để robot hoàn toàn thay thế con người như ở Mỹ. Ví dụ nhân viên văn thư vẫn có thể tiếp tục làm việc mặc dù theo lý thuyết, công việc này có thể được thực hiện tốt hơn bằng máy móc.
Sự phản đối việc áp dụng hoàn toàn công nghệ thay cho con người trong các ngành dịch vụ cũng được phản ánh qua việc Nhật Bản vẫn lựa chọn giữ taxi truyền thống thay vì chuyển sang dịch vụ thuê và đưa đón trực tuyến.
Ông Kiyoshi Sakai rất vui vì robot đã làm giảm gánh nặng công việc cho mình.
Kiyoshi Sakai, người đã làm việc tại Asahi trong 29 năm, nhớ lại, trong quá khứ, ông đã vất vả như thế nào để thực hiện nhiệm vụ thay thế những nắp chai trong máy bằng tay, một nhiệm vụ khó khăn và phải hết sức tập trung. Vì vậy, ông rất biết ơn bàn tay giúp đỡ của tự động hóa.
Giống như nhiều công nhân ở Nhật, Sakai dường như không lo lắng rằng công việc của mình sẽ biến mất. Khi nhu cầu công nhân nhà máy giảm xuống do quá trình tự động hóa, ông được chuyển lên làm công việc hành chính.
"Công việc trong quá khứ thực sự rất khó khăn. Nhưng tôi tự hào vì đã đem lại món bia tuyệt vời cho mọi người", Sakai nói, "Tôi không hề thấy hối tiếc vì nhà máy vẫn đem lại cho tôi một công việc ổn định."
Tương tự như ông Sakai, anh Shinichi Uno không lo ngại bị mất việc bởi sự xuất hiện của robot. Theo anh, các công ty dù hiện đại đến mấy cũng cần đến những nhân viên thạo nghề, dày dặn kinh nghiệm, những tố chất chỉ có ở con người.