Đại gia điện tử Nhật Bản Sharp cho biết sẽ bắt đầu bán ra thị trường mẫu smartphone "người máy" Robohon, với khả năng đi, nhảy và trò chuyện, kiêm chức năng điện thoại, vào cuối tháng 5.
Dù đây là một sản phẩm đầy tham vọng về mặt công nghệ, song Sharp cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần rằng Robohon sẽ không thành công về mặt thương mại. "Thông qua nó, chúng ta có thể hình dung các thiết bị di động sẽ có hình hài ra sao trong tương lai", đại diện hãng này nhấn mạnh.
Robohon có giá hơn 1800 USD |
Robohon sử dụng hệ điều hành Android của Google, có khả năng xử lý các chức năng cơ bản như gọi điện, email, chụp ảnh và quay video. Người máy hai chân này cũng có thể kết nối, trò chuyện với chủ nhân của nó thông qua các khẩu lệnh đơn giản hoặc động tác khiêu vũ. Nó cũng được nhúng sẵn một máy chiếu - do Sharp phát triển cùng với Microvision. Con robot này cao khoảng 8 inch (khoảng 25cm) và nặng chưa đầy 0,45 kg.
Với giá bán lên tới 198.000 yên (1810 USD), Robohon khó lòng trở thành một bom tấn thương mại dành cho Sharp, hãng đang khá kẹt tiền khi mà hồi đầu tháng đã bỏ ra hơn 3,5 tỷ USD để chính thức thâu tóm nhà máy chuyên sản xuất iPhone Foxconn của Đài Loan.
"Tôi không thể nghĩ ra một sản phẩm điện tử tiêu dùng nào gặp thách thức lớn hơn được, ít nhất là trong một vài năm tới", nhà sáng chế robot danh tiếng Tomotaka Takahashi, người đồng phát triển Robohon thừa nhận tại cuộc họp báo.
Những rắc rối tài chính của Sharp bắt nguồn từ mảng kinh doanh lõi - sản xuất màn hình của hãng, vì giá sản phẩm ngày càng giảm còn nguồn cung thì vượt quá cầu. Rất may là mảng điện tử tiêu dùng đang có lãi.
Robohon sẽ chỉ bán tại các cửa hàng bán lẻ và kênh online - điều này sẽ hạn chế doanh số của nó, giới phân tích cảnh báo. Nhiều người dùng Nhật đã sở hữu smartphone cao cấp rồi, nhưng đó là vì chính sách trợ giá của các nhà mạng tại Nhật rất mạnh: nhiều con dế gần như được tặng không cho thuê bao. Thế nhưng với Robohon, sẽ chẳng có bất cứ sự trợ lực từ nhà mạng nào hết.
Rồi thì thị phần hiện tại của hãng cũng khá thấp, chỉ 10% (tính đến cuối năm ngoái). Quy mô của thị trường robot giải trí vẫn còn khá nhỏ bé. Cũng có một số sản phẩm thành công, như con chó robot Aibo của Sony, song giá thành của chúng đắt hơn so với bình quân thu nhập của người dân xứ sở hoa anh đào.
Dù vậy, Robohon vẫn là một dấu hiệu tích cực của Sharp, các chuyên gia nhận định, vì nó kế thừa truyền thống sáng tạo của hãng. Trong quá khứ, Sharp có rất nhiều sản phẩm thành công như máy lọc không khí, TV tinh thể lỏng, nhưng hãng cũng có không ít sản phẩm thất bại.
"Muốn có 1 sản phẩm thành công, bạn cần trải qua 9 sản phẩm thất bại khác trước đó", ông Atsushi Osanai, Giáo sư Đại học Kinh doanh Waseda bình luận. Sharp là hãng đầu tiên trên thế giới trình làng smartphone với màn hình màu và cũng thuộc tốp tiên phong đưa camera lên điện thoại, do đó, hãng có đầy đủ năng lực để khai phá mảnh đất tiếp theo của smartphone. Chỉ có điều, họ có dám làm dám chịu hay không mà thôi.
T.C (Theo WSJ)