Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Cổng dịch vụ công quốc gia dự kiến đi vào hoạt động thử nghiệm từ tháng 6 và sẽ hoạt động chính thức từ tháng 9/2016.
Thông tin này được Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Nên công bố trong báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện một số giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua.
Cổng dịch vụ công quốc gia dự kiến thử nghiệm từ tháng 6 và hoạt động chính thức từ tháng 9/2016 |
Theo đó, tính đến hết Quý I/2016, VPCP đã kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của nhiều Bộ, ngành, địa phương với VPCP. Tính đến ngày 24/3 đã có 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối hệ thống quản lý văn bản với VPCP.
Riêng với TP.HCM, VPCP đã chính thức liên thông văn bản điện tử đến và đi. Hệ thống cũng cho phép tự động nhận biết được trạng thái xỷ lý văn bản giữa 2 cơ quan. Trong thời gian tới, VPCP sẽ mở rộng liên thông văn bản điện tử tới các bộ, ngành, địa phương khác. Mục tiêu đặt ra là sẽ hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất thông suốt từ Trung ương đến địa phương trước ngày 1/6.
Đối với nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia, VPCP đã gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 sẽ được ưu tiên cung cấp trong năm 2016. Dự kiến danh mục sẽ được ban hành trong tháng 4 này.
Hiện tại, VPCP cũng đang phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai và TPHCM thử nghiệm tích hợp dịch vụ công trực tuyến ở cấp tỉnh; trên cơ sở đó lập phương án xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia để đưa vào hoạt động thử nghiệm từ tháng 6/2016 và hoạt động chính thức từ tháng 9/2016.
Đồng thời, VPCP cũng kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện liên thông văn bản điện tử với VPCP và chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết, tích hợp thử nghiệm các dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 1/7/2016.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Bên cạnh đó, VPCP cho biết các đầu việc quan trọng như bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, đầu tư công trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đang được tích cực triển khai.
Để đảm bảo tiến độ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử của các Bộ, ban, ngành, địa phương, Chính phủ cũng có nhiều giải pháp quyết liệt khác. Chẳng hạn như Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sẽ tiến hành kiểm tra việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử theo Nghị quyết 36a tại một số bộ, ngành, địa phương như: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Hà Nội, TP.HCM…trong năm 2016.
Đồng thời, Ban chỉ đạo cũng sẽ kiểm tra việc thực hiện Quyết định 1819 ký ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Theo Nghị quyết 36a thì ba mục tiêu chủ yếu để xây dựng CPĐT là: Liên thông văn bản điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử và Xây dựng Cổng dịch vụ công Quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2016, tất cả các dịch vụ công phải được cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4.
T.C