Hàng chục nghìn SMS rác được phát tán trong 15 phút
Chỉ cần tìm kiếm với từ khoá “spam SMS”, bất cứ ai quan tâm đến dịch vụ này cũng có thể tìm được hàng loạt nội dung mời chào nhận spam SMS giá rẻ, spam SMS thuê, spam SMS hiệu quả…; hoặc, dịch vụ này núp dưới những cái tên “tử tế” hơn là quảng cáo tin nhắn, tin nhắn marketing, vẫn đang xuất hiện rầm rộ trên mạng.
Với chi phí chỉ từ vài chục đồng cho 1 tin nhắn (trong khi của các nhà mạng từ 350 đồng và dịch vụ quảng cáo tin nhắn hợp pháp khoảng 500 – 600 đồng), các đối tượng nhận làm dịch vụ quảng bá có thể giúp cho khách hàng tiếp cận tới hàng chục ngàn thuê bao mỗi ngày.
Theo tìm hiểu của ICTnews, trung bình một chiến dịch, các địa chỉ nhận làm dịch vụ spam tin nhắn rác nhận gửi từ hàng chục nghìn tin nhắn tới thuê bao của 1 nhà mạng.
Liên lạc theo số điện thoại đăng trên trang “Quang...net”, một nhân viên của địa chỉ này cho biết sẵn, sàng nhận làm dịch vụ với 3 nhà mạng lớn nhất là Viettel 50 đồng/tin nhắn, MobiFone 45đồng/tin nhắn và VinaPhone 40 đồng/1 tin (tin nhắn 160 ký tự không dấu).
Nếu số lượng tin nhắn dưới 10.000, giá dịch vụ sẽ cao hơn khi được cộng thêm 20 đồng cho mỗi tin nhắn. Tương đương Vietel 70 đồng, VinaPhone 60 đồng và MobiFone 65 đồng.
Người làm dịch vụ phát tán tin nhắn rác này còn cho biết thêm, nếu làm nhiều, giá sẽ được giảm nhưng cũng chỉ khoảng từ 1 - 2 đồng cho mỗi tin nhắn theo các mức tương ứng nêu trên.
Cũng qua tham khảo của ICTnews tại một số địa chỉ nhận spam SMS khác tại Hà Nội, hiện giá làm dịch vụ giữa các cá nhân khá cạnh tranh. Nhiều nơi rao thông tin dịch vụ rẻ bất ngờ, thấp nhất chỉ từ 20 đồng cho 1 tin nhắn của VinaPhone , MobiFone 30 đồng và Viettel là 35 đồng.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của chính những đối tượng làm spam SMS, việc giá quá rẻ cũng là điều nên nghi ngờ bởi có thể lượng tin nhắn gửi thành công không cao, không biết được tình trạng của các số thuê bao nhận tin và đương nhiên là “khổ chủ” thuê dịch vụ có thể mất tiền khi số lượng tin rác gửi ra thực tế thấp hơn số lượng cam kết.
Về cách thức hợp tác, khách hàng sau khi thống nhất được mức phí dịch vụ, số lượng tin nhắn cần gửi dữ liệu do mình thu gom được trong quá trình kinh doanh hoặc mua từ một nguồn nào đó để tiến hành spam trên đó.
Qua trao đổi với phóng viên ICTnews, một địa chỉ nhận làm dịch vụ spam SMS cho hay, nếu chưa có dữ liệu, số thuê bao tiềm năng thì khách hàng cũng không phải lo. Họ sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho lần đầu tiên thực hiện. Còn với lần thực hiện tiếp theo, phía làm dịch vụ phát tán SMS rác sẽ đưa ra mức dịch vụ 50.000 đồng cho mỗi 10.000 số thuê bao các mạng (những đối tượng này chỉ chạy dịch vụ chứ không bán dữ liệu khách hàng - PV).
Người có nhu cầu quảng bá cần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của bên làm dịch vụ, sau khi xác nhận toàn bộ dữ liệu, thời gian làm việc và phí dịch vụ, chiến dịch sẽ được khởi động.
Thông thường, với dữ liệu 10.000 số thì thời gian chạy khoảng 15 – 30 phút. Sau khi hoàn tất công việc, phía làm dịch vụ sẽ gửi báo cáo kết quả vào email của khách hàng thông qua phần mềm tự động SMS Caster E-Marketer, TOP SMS Marketing.
SIM rác không cần đăng ký vẫn là gốc rễ phát tán “rác”
Kể từ khi được biết đến tại Việt Nam, SMS Marketing được đánh giá là kênh quảng cáo có hiệu quả rất cao với trên 90% khách hàng không thể bỏ qua, hoặc xóa tin nhắn khỏi điện thoại khi chưa đọc.
Chính vì ưu điểm này, dịch vụ spam SMS đã nhanh chóng bùng phát và trở thành vấn nạn nhức nhối, đối với người dùng điện thoại, cơ quan quản lý tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Tìm hiểu của ICTnews trong giới làm dịch vụ spam SMS, từ năm 2012 đến nay, trên thị trường có một số phần mềm được sử dụng, tiếp tay cho công việc này, nhưng giới làm dịch vụ chủ yếu sử dụng SMS Carter và TOP SMS Marketing.
Hai phần mềm hiện cũng được rao bán công khai trên mạng (giá của SMS Carter khoảng 500.000 đồng, TOP SMS Marketing khoảng 1,5 triệu đồng nếu mua đứt, hoặc thuê với giá 500.000 đồng/1 tháng), cho phép đối tượng phát tán “rác” dễ dàng gửi tin nhắn tiếp thị, tin nhắn quảng cáo trực tiếp từ máy tính.
Việc phát tán tin rác hiện nay rất dễ, do hàng triệu thông tin thuê bao di động của VinaPhone, Viettel hay MobiFone vẫn đang bị rao bán công khai trên mạng. Chỉ cần bỏ ra số tiền từ 200.000 đồng, người mua sẽ có được bộ thông tin của hàng trăm nghìn người gồm địa chỉ nhà, email, số điện thoại, đẩy các chủ thuê bao trở thành nạn nhân của những cuộc gọi “rác” làm phiền đến từ các ngân hàng, công ty bảo hiểm, bất động sản…
Chính vì hàng triệu số điện thoại phân theo ngành nghề, khu vực… vẫn được đem ra mua bán với giá bèo và dịch vụ phát tán, spam SMS sử dụng SIM trả trước không cần đăng ký thông tin vẫn được thả nổi trên thị trường, thế nên người dùng điện thoại vẫn liên tục bị SMS rác hoành hành.
Theo nhận định của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đưa ra gần đây, nội dung tin nhắn rác hiện tập trung vào quảng cáo rao bán SIM số đẹp, bất động sản… Tuy có xu hướng giảm nhưng các đối tượng phát tán với thủ đoạn sử dụng thiết bị như modem, SIM box và mua SIM trả trước, dùng phần mềm phát tán tin rác quảng cáo vẫn hoạt động công khai.
Một nguyên nhân lớn khiến cho cho spam SMS hoành hành, đó là do trong khi chi phí của tin nhắn hợp pháp tương đối cao (khoảng 600 đồng/1 tin nhắn, theo báo cáo của các doanh nghiệp làm dịch vụ - PV), thì chi phí của SMS rác rẻ hơn nhiều lần. Việc khuyến mãi liên tục của các doanh nghiệp di động khiến cho giá cước SMS giảm rất thấp, khiến các đối tượng muốn gửi tin quảng cáo thay vì sử dụng kênh hợp pháp đã tìm đến hình thức spam SMS.
Cũng liên quan đến vấn nạn tin nhắn rác, tại Security World 2015 diễn ra cuối tháng 3/2015, ông Nguyễn Văn Thỉnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an đã lên tiếng đề nghị các nhà mạng trong nước cần có biện pháp cụ thể nhằm chấm dứt, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phát tán tin nhắn rác hiện nay, chấm dứt tình trạng buôn bán SIM rác do gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội, mất an ninh thông tin…