- Tiền ngân sách chi cho khoản này mỗi năm của cả nước là bao nhiêu? Ngoài nguồn kinh phí trên, người ta còn đi vận động cơ sở bên dưới, nơi có quan hệ này nọ…
Thủ tướng Chính phủ vừa ký, ban hành Nghị định 111 quy định, bắt đầu từ giữa tháng 10, đơn vị tổ chức lễ kỷ niệm sẽ “không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm”. Điều này được hiểu rằng, sẽ không được chi mua quà tặng hoặc vận động kinh phí để phục vụ cho dịp kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng này khác của các bộ, ngành, địa phương...
Nghị định này ra đời trên tinh thần sẽ tổ chức kỷ niệm, ngày thành lập, ngày truyền thống theo một quy định khá nghiêm túc, trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không hình thức, phô trương. Sẽ chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền và chỉ được tổ chức kỷ niệm vào năm tròn. Với trường hợp các bộ, ngành, địa phương đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức và điều đáng ghi nhận nhất, đó là không tặng quà và tổ chức chiêu đãi.
Theo một con số của Bộ VH-TT-DL, cả nước có hơn 200 ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, các tổ chức thuộc T.Ư và địa phương, trong đó kỷ niệm cấp quốc gia có 7 ngày; ngày thành lập của các bộ, ngành, địa phương có 87 ngày; ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương có 121 ngày; 63/63 tỉnh, TP có kỷ niệm ngày thành lập, tái lập tỉnh, thành. Đó là chưa kể ở cấp thấp hơn với nhiều chủng loại khác ở cấp sở, quận, huyện... mà lâu nay người ta cũng tổ chức kỷ niệm.
Bộ ấm chén tặng khách nhân dịp kỷ niệm tái lập tỉnh của Vĩnh Phúc. Ảnh: Thanh niên |
Tiền ngân sách chi cho khoản này mỗi năm của cả nước là bao nhiêu? Ngoài nguồn kinh phí trên, người ta còn đi vận động cơ sở bên dưới, nơi có quan hệ này nọ (mà chủ yếu là do nể thậm chí cả sợ cho nên miễn cưỡng hỗ trợ để lấy lòng) là bao nhiêu nữa? Điều này có lẽ ngay đến Bộ Tài chính cũng chỉ có thể nắm được con số một cách tương đối.
Nhưng dù là tiền từ nguồn nào đi nữa thì cũng rất tốn kém cho xã hội. Thử hình dung chỉ riêng tiền hoa tặng một đơn vị có khi đã tốn cả trăm triệu, thậm chí hơn thế nhiều, tuỳ từng ngành, lĩnh vực và năm lẻ/ chẵn... Ấy là chưa nói ngay hôm sau nơi tổ chức kỷ niệm lại cấp tập thuê xe chở hoa đi… đổ.
Nếu cộng toàn bộ khoản này trong cả nước số tiền sẽ lên đến bao nhiêu? Tương đương bao nhiêu chiếc cầu khỉ ở vùng ĐBSCL, bao nhiêu cầu treo ở vùng có suối sâu khi lũ về trên miền núi phía Bắc, để các em nhỏ không phải chui túi nilon bơi cùng người lớn đến trường khai giảng?
Tôi lấy ví dụ một ngành như Công an có ngày thành lập lực lượng CAND lẫn ngày truyền thống của từng ngành (ANND, CSND, PCCC, v.v...). Nếu tổ chức kỷ niệm đủ cả thì các bộ, ngành, địa phương… nhớ hết để đi chúc mừng không sót cũng đã mệt mỏi rồi.
Và chúng ta hẳn vẫn nhớ câu chuyện ở tỉnh Vĩnh Phúc năm nào chi đến hơn 60 tỷ đồng chỉ để tặng khác và trang bị cho mỗi hộ dân trong tỉnh một bộ ấm chén kỷ niệm 20 năm, ngày tái lập tỉnh; chuyện ở Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam chi cả chục tỷ đồng làm logo biểu trưng ngành bằng kim loại quý tặng người lao động… Nghe qua thì có vẻ trang trọng nhưng thực chất tốn kém tiền của mà phỏng có mấy ý nghĩa khi tỉnh nhà cũng như người dân còn thiếu thốn bộn bề, còn doanh nghiệp thì cũng chẳng giàu mạnh gì lắm, đời sống cán bộ công nhân viên còn đầy lo toan.
Thuế là nguồn thu quan trọng đối với nhà nước. Nhưng một khi nguồn thu chưa dồi dào, còn khó khăn thì tiết giảm chi tiêu nặng tính hình thức hội hè là vô cùng cần thiết. Rồi thực tế, việc chi cho xây dựng cơ bản, cho phát triển hạ tầng chưa bao giờ dừng lại, mà ngày càng đòi hỏi nguồn vốn vô cùng lớn, trong khi nợ công vốn đã chạm trần cho phép. Chẳng hạn, tới đây vẫn phải tính đến việc xây dựng đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, tiến tới xây dựng đường sắt cao tốc sẽ là một thách thức cho nền kinh tế nước nhà.
Những điều này đặt ra cho chúng ta phải xem vấn đề tiết kiệm như một quốc sách, coi lãng phí là tội ác, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho Chính phủ khi phải giải bài toán trả nợ. Đây là việc không thể xem nhẹ, cũng như không thể nói suông.
Bởi vậy, quy định là một chuyện, nhưng muốn quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thì cần cơ chế để có sự giám sát chặt chẽ của mặt trận, các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Thực tế, đã có trường hợp địa phương, bộ, ngành phải dừng kế hoạch tổ chức kỷ niệm rình rang sau khi dư luận phát hiện và lên tiếng về sự tốn kém. Bên cạnh đó cũng cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương khi thực hiện không đúng quy định, có chế tài xử lý khi làm sai.
Quốc Phong
Đừng lấy tính mạng những đứa trẻ để thay lời muốn nói
Ngày khai trường, như thường lệ, luôn có những bài báo phản ánh nỗi gian truân, những đứa trẻ không may mắn, những câu chuyện nhiều nước mắt, để tương phản với không khí tưng bừng trong ngày hội đến trường của học sinh cả nước.
‘Mắt chữ O miệng chữ A’ vì những dự án trăm, nghìn tỷ
Cơ quan chức năng có thể vào cuộc điều tra những con đường chưa khánh thành đã hỏng, nhưng với dự án giáo dục, đã ai bị xử lí bởi một cuốn sách bị lỗi, một dự án thất bại?
Chống ‘căn bệnh bẩm sinh’ của quyền lực: Cuộc chiến đã sang trang
Đấu tranh chống tham nhũng, cuộc chiến của niềm tin, vì niềm tin-một trang mới đầy hy vọng…
Giá của vốn vay
Cái giá của ODA trở nên quá đắt đỏ và rất khó có thể biện minh được. Ai là người trả giá thật sự cho trình trạng này, nếu không phải những người đóng thuế?