Rau xanh khan hiếm vì nông dân ngại ra đồng thu hái, người dân sợ giá thực phẩm tăng cao nên tranh thủ mua về tích trữ khiến thực phẩm tại chợ cháy hàng, các cửa hàng thực phẩm online cũng đồng loạt từ chối khách…

Thực phẩm cháy hàng tại chợ

Ngày đầu đợt rét đậm, mới 10g sáng, tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Tuyết không khỏi ngạc nhiên bởi các sạp rau tại chợ chỉ còn lèo tèo vài ba mớ rau trong tình trạng dập nát, còn các hàng thịt cá thì dân phải đứng xếp hàng chờ tới lượt mua.

“Hôm nay nhà có khách nên tôi đi chợ sớm hơn để về còn chuẩn bị nấu nướng cho kịp. Thế mà, ra đến chợ tôi phải đi tới sạp rau thứ 3 mới mua đủ được số rau mình cần bởi mỗi sạp rau chỉ còn vài ba mớ. Có sạp còn đã đóng cửa nghỉ vì hết hàng”, chị Tuyết chia sẻ.

{keywords}

Dân xếp hàng mua thực phẩm về tích trữ vì sợ tăng giá và ngại đi ra ngoài khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 7 độ C

Bà Lê Thị Hoa, tiểu thương tại chợ Đại Từ cho biết, trời rét đậm, người dân đi mua rau có xu hướng mua nhiều hơn để tích trữ vì sợ giá tăng. Trong khi đó, tại các vùng ngoại thành người nông dân lại ngại ra ruộng thu hoạch rau xanh đem bán nên nguồn cung về các chợ giảm mạnh khiến rau xanh trở nên khan hiếm hơn trước.

“Tôi cũng phải đi chợ đầu mối từ 3 giờ sáng để mua được đủ số lượng rau về bán trong ngày nhưng ngồi bán ở chợ đến gần 11 giờ sáng mà lượng rau xanh tại sạp của tôi chỉ còn vài mớ, một số loại đã hết hàng”, bà Hoa nói.

Chị Nguyễn Thị Ngân, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Phú La (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết, thịt lợn đắt như tôm tươi, người dân tranh nhau mua, có khách còn mua 2-3kg thịt lợn các loại về vì ngại phải đi mua nhiều lần và sợ tăng giá.

“Trời rét đậm, dân ngại đi chợ nhiều lần nên mua về tích vào đó ăn dần. Nhiều lúc, tôi đứng cắt thịt bán mà không kịp, khách phải xếp hàng 10-15 phút đồng hồ mới đến lượt mua”, chị Ngần khoe.

Theo ghi nhận của PV tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, lượng hàng bán ra tăng đột biến, một số loại còn xảy ra tình trạng cháy hàng. Song, hầu hết giá cả các mặt hàng thực phẩm vẫn đang rất ổn định, một số mặt hàng tăng nhẹ ở mức 1.000-3.000 đồng/kg tùy loại.

Cụ thể, cải xoong giá 5.000 đồng/mớ, cải mơ 4.000 đồng/mớ, cải thảo, cải ngọt, cải ngồng giá đồng loạt ở mức 15.000 đồng/kg, su hào 5.000 đồng/củ, khoai tây 15.000 đồng/kg, nấm sò giá 25.000 đồng/kg, rau cần 5.000 đồng/mớ …

Trong khi đó, các loại thịt lợn giá cũng đang ổn định ở mức 85.000 đồng/kg thịt mông, vai, ba chỉ, chân giò; nạc thăn giá 100.000 đồng/kg, sườn loại 1 giá 100.000 đồng/kg, sườn loại 2 giá 90.000 đồng…

Hàng online đồng loạt chối khách

Không đến mức cháy hàng như tình trạng đang diễn ra tại các chợ, song, các cửa hàng thực phẩm online cũng phải từ chối khách đồng loạt vì lượng khách đặt mua thực phẩm tăng đột biến.

Trao đổi với PV, chị Hương, nhân viên của một cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Nguyễn Đức Thọ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, từ sáng đến giờ có đến hàng trăm khách hàng điện thoại đặt mua thịt, rau tại cửa hàng nhưng chị phải từ chối hết, chỉ nhận các đơn hàng của khách đặt vào ngày mai với số lượng hạn chế.

{keywords}

Rau xanh khan hiếm, cháy hàng tại chợ

Theo chị Hương, trời lạnh, dân ngại ra đường nên đặt mua online nhiều. Trong khi đó, shipper của cửa hàng thì chỉ có 1-2 người, giao các đơn hàng đặt từ ngày hôm trước cũng không hết nên hôm nay chị phải từ chối các khách đặt mua.

Tương tự, anh Bùi Văn Trung, chủ cửa hàng chuyên bán thịt bò nhập khẩu ở Đại Từ cho hay, tất cả các khách đặt thịt bò và yêu cầu giao hàng trong ngày hôm nay đều được nhân viên của cửa hàng từ chối.

“Từ sáng đến giờ tôi nghe khoảng vài trăm cuộc điện thoại của khách đặt mua, nhưng tôi đều phải từ chối, khuyên khách nên ra mua trực tiếp tại cửa hàng, không thì lùi lại đặt hàng và lấy vào những ngày sau. Thậm chí, có khách nhà chỉ cách cửa hàng 200m gọi điện đặt mua thịt mà tôi vẫn phải từ chối vì shipper đã quá tải ”. Anh Trung cho biết, bán được hàng chủ nào cũng thích nhưng trời rét 6 độ C như hiện nay thì ngoài 2 shipper của cửa hàng, anh không thể kiếm được thêm shipper khác để tăng cường nên đành phải từ chối bớt khách.

Chị Lê Thị Thu Huyền ở Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) cũng thừa nhận, chị ôm điện thoại cả buổi sáng tìm kiếm các cửa hàng bán thực phẩm online để gọi điện đặt mua thực phẩm cho gia đình ăn trong ngày nhưng bị các cửa hàng đồng loạt từ chối.

“Tôi gọi 5 cửa hàng rồi mà cửa hàng nào cũng kêu trời rét khách đặt hàng tăng, không có đủ shipper giao hàng”. Chị Huyền nói và chia sẻ, không đặt được thực phẩm online lại ngại ra chợ mua nên sáng nay chị phải bỏ gần 100.000 đồng ra để thuê bác xe ôm gần nhà đi mua thịt, cá, rau xanh cho gia đình chị.

Như Băng