Theo báo cáo nhanh công tác trực ban Phòng chống thiên tai (Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai) cho biết, ngày 20/12, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An trời tiếp tục rét đậm, vùng núi rét hại.

Ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trời rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến từ 9-12 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 5-8 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ; ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế phổ biến từ 14-17 độ.

Trước đó, để chủ động ứng phó với đợt rét đậm, rét hại này, ngày 13/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ban hành công điện số 18/CĐ-QG gửi các Bộ và các tỉnh/tp khu vực Bắc Bộ. 

Công điện đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, tỉnh, thành phố: Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền cơ sở, nhân dân chủ động phòng tránh rét đậm, rét hại.

W-anh-chup-man-hinh-2023-12-20-luc-161246-1.png
Người dân lưu ý không đốt củi sưởi ấm trong phòng kín ở những ngày giá rét 

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét. Hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản; che phủ, che chắn, tưới nước, bón phân, giữ ẩm đối với sản xuất lúa, rau màu, cây trồng khác. 

Bên cạnh đó, chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch, tăng cường cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. 

Ngoài ra, công điện cũng yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tế, chủ động tổ chức các đoàn công tác chuyên môn xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh phù hợp, hiệu quả. Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn...

Với người dân để trống chọi với giá rét, BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo tuyệt đối không đốt củi, đốt than để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại sẽ ngày càng tăng. 

Lý do là do CO là khí không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và "cướp" mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn. Điều nguy hiểm ở chỗ bệnh nhân không kịp nhận ra được những bất thường, họ lịm, ngất đi nhanh chóng mà không nhận ra nguy cơ, không thể thoát ra ngoài dù với người bình thường chỉ là một cái với tay mở toang cửa. Rất nhiều trường hợp tử vong tại chỗ hoặc đến viện đã tử vong. 

Vì thế, BS Trung Nguyên nhấn mạnh, người dân chỉ dùng bếp than, bếp củi để sưởi ấm trong điều kiện ngoài trời hoặc phòng thoáng khí, có mở cửa hoặc ô thoáng để thông khí. Tuyệt đối không sưởi ấm bằng bếp than trong phòng kín.

Thực tế, mùa đông năm nào, miền Bắc cũng ghi nhận trường hợp tử vong do sưởi ấm bằng than củi, tổ ong. Vì thế, để phòng tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, BS Nguyên khuyên người dân trong điều kiện thời tiết lạnh rét mùa đông tuyệt đối không được sưởi than củi và đóng kín cửa trong nhà hoặc ngay cả lúc sưởi ấm để tắm cũng rất nguy hiểm. 

Khi phát hiện người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc. Đồng thời, lập tức đưa tới bệnh viện để cấp cứu và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân thở yếu, bất tỉnh cần hà hơi, thổi ngạt, ép tim.

Thời gian tách khỏi khí CO càng sớm, người bệnh càng có cơ hội sống, hồi phục. Còn hôn mê quá lâu do khí CO, não thiếu oxy sẽ để lại những di chứng lâu dài về thần kinh.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV