“Khi tôi tham quan các resort 5 sao Việt Nam, tôi thấy khách du lịch Việt Nam là chính, còn khách du lịch nước ngoài lại thích kiểu khác. Họ thích khám phá, phiêu lưu, mạo hiểm, du lịch tiết kiệm. Vì vậy, chúng ta phải cân đối, cần tập trung cả quảng bá du lịch cho khách nội địa”, ông Nam chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019.
Ông Nam đánh giá, du lịch Việt Nam đôi khi quá xem trọng vai trò của khách du lịch nước ngoài, trong khi 80 triệu người Việt đóng vai trò khách du lịch nội địa cũng quan trọng không kém.
Mỗi lần vào Việt Nam mất cả tiếng, ai muốn quay lại?
Trong khi đó, ông Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao, JLL Hotels & Hospitality Group chỉ rõ vấn đề còn tồn tại trong phát triển du lịch: “Việt Nam đã đầu tư nhiều sân bay, nhưng logistic sân bay vẫn còn nhiều việc phải làm. Nếu cứ mỗi lần vào Việt Nam lại mất cả tiếng đồng hồ thì không ai muốn quay lại”.
Năm 2018, tăng trưởng khách du lịch Việt Nam là 18%. Đánh giá cao thành công của ngành du lịch, song ông Adam Bury cũng chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại.
Nhu cầu nghỉ dưỡng 5 sao ngày càng tăng |
Việt Nam thu hút được 15 triệu lượt khách trong năm qua, trong khi con số này của Thái Lan là 38 triệu lượt. Thái Lan hiện nay chỉ có 3 sân bay ở Bangkok, Phuket và Kohsamui. Trong đó, sân bay Kohsamui gặp rất nhiều hạn chế và khả năng hoạt động, phần lớn khách du lịch đến Thái Lan chỉ thông qua 2 sân bay là Bangkok và Phuket. Đây cũng là những điểm đến chính của khách du lịch khi đến Thái Lan.
“Chúng ta có nhiều điểm đến hơn rất nhiều. Việt Nam có 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, cùng với đó là 3 điểm đến du lịch là Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, chưa kể còn nhiều điểm đến tuyệt vời khác. Vậy tại sao Việt Nam lại đứng sau Thái Lan?”, ông Adam Bury đặt câu hỏi.
Theo ông Adam Fury, Việt Nam vẫn còn nhiều giới hạn về thủ tục, logistics. Dễ thấy nhất là vấn đề visa. Du khách làm visa đến Thái Lan rất đơn giản, trong khi Việt Nam khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là với người nước ngoài. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam khi quay lại vẫn gặp khó khăn về thủ tục.
Về mặt này, sân bay Đà Nẵng là một hình mẫu tốt mà các thành phố khác nên học hỏi. Tại sân bay Đà Nẵng có hẳn một dãy bàn chuyên đóng visa cho du khách, qua đó giúp du khách đặt chân đến Việt Nam dễ dàng hơn.
Tỷ trọng du khách đến Việt Nam cũng có sự thiếu cân bằng. Góp phần lớn cho tăng trưởng ngành du lịch năm qua là khách đến từ hai quốc gia Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc phụ thuộc lớn vào 1 hoặc 2 thị trường chính khiến ngành du lịch dễ rơi vào rủi ro, vì vậy Việt Nam cần sớm đa dạng hóa danh mục.
Bên cạnh đó, doanh thu trên phòng khách sạn Việt Nam (revpar) thực tế tăng chỉ tăng 11,5% trong năm qua, thấp hơn so với lượng khách du lịch đến Việt Nam. Điều này cho thấy thị trường chưa khai thác hết tiềm năng và tỷ suất lợi nhuận chưa tăng cao như nó có thể. Cả TP.HCM và Hà Nội vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Đầu tư vào du lịch gắn với 4.0
TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định: “Giai đoạn tới, với đặc trưng của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó công nghệ thông tin truyền thông được ứng dụng sâu rộng trong du lịch; khách du lịch dựa vào công nghệ sẽ có nhiều lựa chọn tiếp cận điểm đến với nhiều phương thức tiêu dùng du lịch theo nhiều xu hướng khác nhau”.
Theo đó, khách du lịch sẽ quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư mở rộng và phát triển thêm nhiều trải nghiệm du lịch, ví dụ dự án bất động sản du lịch sẽ trở thành quần thể và gắn với nhiều tiện ích như casino, thể thao, sự kiện, nghệ thuật...
Các khách sạn trước làn sóng 4.0 |
Theo Hiệp hội Bất động sản,18-20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5-7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ, do đó, Việt Nam vẫn còn đang thiếu hàng chục ngàn khách sạn 4-5 sao.
Trong khi đó, đến năm 2020 dự báo cả nước cần có 650.000 đến 700.000 buồng lưu trú du lịch; năm 2025 cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng và đến năm 2030 cần tới 1,3-1,45 triệu buồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 8,2-8,5% đến 2020; 7,8-8,0% giai đoạn 2020-2025 và 7-7,5% giai đoạn 2025-2030.
Dự báo đến năm 2020, Việt Nam đón 21 triệu lượt khách quốc tế, đến 2025 đón 32 triệu lượt và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 9-11%/năm.
Tiếp đà tăng trưởng của ngành du lịch, nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cũng tăng lên tuy nhiên tính chất, loại hình và địa bàn sẽ thay đổi theo xu hướng nhu cầu của khách du lịch thế hệ mới. Bất động sản du lịch vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao nếu lựa chọn đúng địa bàn, đúng loại hình phù hợp với xu hướng nhu cầu của thế hệ khách du lịch mới, thời kỳ gắn với cách mạng công nghiệp 4.0.
Một xu hướng khác là khách du lịch thế hệ mới đến Việt Nam đã và đang trở lên từng trải hơn, với nhu cầu cá biệt hơn. Như vậy đòi hỏi đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cần có nhiều ý tưởng mới, mở rộng đa dạng địa bàn.
Ngoài ra, kinh nghiệm du lịch ngày càng được tích lũy, dòng khách tự túc ngày càng nhiều, nhu cầu rất đa dạng. Đây là tín hiệu mà nhà đầu tư cần cân nhắc mở rộng nhiều loại hình lưu trú du lịch, đan xen với cộng đồng dân cư, hòa nhập với văn hóa bản địa.
Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành hàng không và ứng dụng công nghệ trong kinh tế chia sẻ đang làm cho khách du lịch tiếp cận điểm đến thuận lợi hơn. Do đó đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch đòi hỏi phải tiện tích thông minh, giá thành cạnh tranh và môi trường điểm đến phải thân thiện.
Duy Anh