Aarya Bondge, sinh viên thời trang 18 tuổi, đang đi bộ từ lớp về nhà thì nhận thấy la liệt đệm vứt trên phố. Một số chiếc trông cũ nhưng nhiều chiếc trông vẫn mới và có lớp bọc bên ngoài.
Nơi Bondge đi qua là đường Saint Lazare ở quận 9 (Paris) có nhiều khách sạn khác nhau tọa lạc. Nữ sinh viên cho rằng, có lẽ các khu lưu trú đã vứt bỏ đệm do sự lây lan của rệp giường.
Thời gian gầy đây, Paris đang phải đối đầu với tình trạng rệp giường hoành hành trong thành phố. “Tuyến tàu điện ngầm số 6 vẫn còn khủng khiếp. Tôi thà đứng một tiếng còn hơn chạm vào ghế”, Bondge kể. Nhiều người cũng hành động như cô.
Theo Daily Mail, tại một thành phố khác của Pháp là Marseille, nhiều gia đình cũng vứt đệm nhiễm rệp ra đường.
Sự bùng phát của rệp nghiêm trọng đến mức được coi là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Chính phủ Pháp đã lập kế hoạch hành động kéo dài đến năm 2024 để chống lại sự lây lan của rệp trong các khu nhà.
Rệp cũng xuất hiện tại các phòng tập thể dục, rạp chiếu phim. Vào tháng 5, có tin một bệnh viện bị rệp phá hoại.
Tác hại của rệp với sức khỏe
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm cho biết rệp có thể truyền tụ cầu vàng kháng methicillin. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, đó là một loại vi khuẩn được tìm thấy trên da người có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Tiến sĩ Bruce Hirsch, bác sĩ điều trị các bệnh truyền nhiễm tại Northwell Health (Mỹ), thông tin: “Tiếp xúc với rệp có liên hệ với các đợt bùng phát tụ cầu vàng kháng methicillin dù không phổ biến”. Nhiễm trùng tụ cầu khuẩn phổ biến ở mũi, da và phần cơ thể tiếp xúc ga trải giường, quần áo. Tiến sĩ Hirsch khuyên bạn nên giữ cho bản thân và môi trường sạch sẽ.
Theo CDC Mỹ, rệp có thể để lại vết cắn ngứa ngáy trên mặt, cổ, cánh tay và các bộ phận khác sau khi ngủ.
Tiến sĩ người Anh Chun Tang chia sẻ thêm một số mối nguy từ rệp giường:
- Gây dị ứng: Một số người có thể bị dị ứng với vết cắn của rệp, bộc lộ các triệu chứng khó chịu như mẩn đỏ, sưng tấy và ngứa dữ dội ở vết cắn.
- Nhiễm trùng da thứ phát: Gãi vết cắn của rệp có thể dẫn đến vết loét hở hoặc rách trên da, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Thiếu máu: Mặc dù trường hợp này hiếm gặp nhưng nhiễm rệp kéo dài ở nhóm người nhạy cảm như người già hoặc hệ miễn dịch yếu, có nguy cơ dẫn đến số lượng hồng cầu thấp hơn. Việc mất máu do bị nhiều vết cắn có thể dẫn đến chứng rối loạn máu.
- Gián đoạn giấc ngủ: Rệp chủ yếu tấn công vào ban đêm khi chúng ta đang ngủ. Do đó, chúng dễ làm gián đoạn giấc ngủ của bạn, dẫn đến cảm giác mệt mỏi vào ngày hôm sau.