Theo Deloitte, 6 CLB đứng đầu về doanh thu trong mùa 2022-23: Real Madrid có 831 triệu euro, Man City đạt 826, PSG là 802, Barcelona chạm mốc 800, MU có 746 và Bayern Munich đạt 744.

Ngoại trừ Barca từng kiếm 841 triệu euro mùa 2018-19, 5 đội còn lại đều lập kỷ lục về doanh thu trong lịch sử và sớm bỏ lại sau lưng tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid. Ai sẽ cán mốc doanh thu 1 tỷ euro đầu tiên?

Cách đây vài năm, một số ít "ông lớn" bóng đá châu Âu đã đặt ra mục tiêu này, nhưng mọi kế hoạch buộc phải cất vào ngăn kéo do Covid-19 bùng phát.

Khi ngành bóng đá trở lại với công suất tối đa, có 4 CLB đạt doanh thu từ 800 triệu euro. Thu nhập này bắt nguồn từ 3 lĩnh vực: SVĐ, bản quyền truyền hình, thương mại.

Timothy Bridge, đối tác trong Nhóm Kinh doanh Thể thao của Deloitte, cho biết: "Nhu cầu cao về thể thao trực tiếp cho thấy sự tăng trưởng hơn nữa về doanh thu thương mại và các trận đấu nói riêng".

"Khi các CLB dường như không còn có thể dựa vào sự tăng trưởng theo cấp số nhân về doanh thu từ bản quyền truyền hình, việc tạo ra một mô hình kinh doanh tập trung vào thương mại hơn sẽ cho phép họ giành được quyền kiểm soát tốt hơn đối với sự ổn định tài chính của mình", Bridge giải thích kỹ hơn.

Bridge đi sâu về mô hình kinh doanh: "Điều này có thể bao gồm việc phát triển hàng hóa mới, hoặc các sự kiện ngoài thể thao, chẳng hạn như buổi hòa nhạc, để tạo ra các sản phẩm thương mại mới".

Tham vọng Real Madrid

Real Madrid luôn đi tiên phong trong lĩnh vực thể thao và thương mại. CLB Hoàng gia Tây Ban Nha đầu tư 1,1 tỷ euro để cải tạo sân Santiago Bernabeu thành sân khấu hấp dẫn hơn không chỉ với bóng đá.

Bernabeu mới sắp khai trương. Ngoài những trận đấu cố định, chủ tịch Florentino Perez triển khai ít nhất 100 sự kiện trong nửa cuối mùa 2023-24.

Dự báo doanh thu từ SVĐ lên tới 317 triệu euro tính đến 30/6/2024, so với 140 triệu euro mùa trước.

Khi công trình hoạt động hết công suất, tức là khi tất cả các chức năng của cơ sở mới đi vào hoạt động, Bernabeu sẽ tạo doanh thu ít nhất 400 triệu euro (dự báo lạc quan nhất là 440 triệu euro), với hơn 200 sự kiện hàng năm.

Kể từ 2025, NFL (giải bóng bầu dục Mỹ) lần đầu tiên đổ bộ vào Tây Ban Nha, ngay tại Madrid. Theo lộ trình, từ mùa 2024-25, "Los Blancos" sẽ sử dụng 100% chức năng của sân mới.

Dựa theo doanh thu mới nhất, Real Madrid có khả năng trở thành CLB đầu tiên đạt doanh thu 1 tỷ euro.

Sắp tới, sự xuất hiện của Kylian Mbappe - lọt vào top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới 2023 của tạp chí Time - hứa hẹn giúp thúc đẩy hơn nữa doanh thu cho Real Madrid.

MU và hiệu ứng Jim Ratcliffe

Không nằm trong nhóm 800 triệu euro, nhưng MU cũng đầy tiềm năng về cột mốc doanh thu 1 tỷ euro, dù có thể chậm hơn Real Madrid.

MU là một trong những thương hiệu bóng đá lớn nhất (theo Forbes, giá trị CLB tăng 30% trong năm qua, đứng thứ 2 thế giới sau Madrid), đặc biệt càng tạo tiếng vang sau khi Sir Jim Ratcliffe mua lại 25% cổ phần (hiện tại tăng lên 27,7%).

Sir Ratcliffe cam kết đầu tư 280 triệu euro vào cơ sở hạ tầng. Sân Old Trafford (sức chứa 74.310; khán giả trung bình ở Premier League mùa này 73.517 người, cao nhất giải đấu, bỏ xa đội thứ 2 với khoảng gần 11.000 người), nơi tạo ra doanh thu 150 triệu euro, cần được cải tạo sau một thời gian dài nhà Glazer không quan tâm.

Kế hoạch của Sir Ratcliffe còn ngoạn mục hơn: xây dựng sân mới có 90.000 chỗ ngồi, bằng một phần vốn vay ngân hàng.

Nếu có SVĐ hiện đại, đa chức năng và thường xuyên trở lại Champions League, MU chắc chắn sẽ phá vỡ rào cản doanh thu 1 tỷ USD. 746 triệu euro mùa giải 2022-23 đến khi đội chỉ dự Europa League.

Ngoài SVĐ, các giải quốc tế rất quan trọng. Champions League cải tổ với 36 đội và tổng giải thưởng tăng 25%. Điều này có nghĩa các CLB hàng đầu có thu nhập tối thiểu 60 triệu euro.

Năm 2025 là phiên bản FIFA Club World Cup mới, với mức thu đảm bảo là 46 triệu euro (50 triệu USD). Con số này gấp 10 lần tiền thưởng mà Man City vừa nhận - 4,6 triệu euro (5 triệu USD).

Trong số các CLB khác, Barca chờ đợi dự án Espai Barca có vốn đầu tư 1,5 tỷ euro, bao gồm sân Camp Nou mới và nhiều hạng mục khác.

Riêng Man City và PSG, với sự hậu thuẫn từ petrodollars, có kế hoạch mở rộng các dự án bất động sản, cũng như tập trung vào các hợp đồng tài trợ ngày càng phong phú, đặc biệt là đối tác gắn liền đơn vị chủ sở hữu CLB.