Tôi nghe nói rau sam có thể chữa được nhiều bệnh, tốt cho sức khỏe. Liệu điều này có đúng không vì loại rau này mọc dại nhưng ít người dùng? (Thế Hoàng, Hà Tĩnh)
Dược sĩ Ma Thị Trang, Nghiên cứu viên Viện Y học Bản địa Việt Nam, tư vấn:
Cách đây không lâu, trên diễn đàn cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã chia sẻ về giá một bó rau sam tại siêu thị ở đây bán với giá 70.000-75.000 đồng. Tại Hà Lan, người dân dùng rau sam làm dưa chua, salad trộn dầu dấm. Người Trung Hoa gọi rau sam là rau trường thọ. Trong khi đó, rau sam là loại rau mọc dại ở Việt Nam, ít người ăn. Rau này được người dân nhiều vùng trong nước dùng để chăn nuôi gia súc.
Rau sam là loại cỏ, cành mẫm nhẵn, rất quen thuộc ở nhiều vùng quê. Trước kia, rau sam được coi là rau dại, rau cứu đói ở các mùa hiếm rau. Tuy nhiên, ngày nay, các thực phẩm rau xanh nhiều nên loài rau này không được để ý đến. Thực tế, rau sam chứa nhiều chất quý, tốt cho sức khỏe.
Nhiều nghiên cứu hiện đại cho thấy rau sam có nhiều hoạt tính sinh học như Flavonoid, Coumarin, Monnoterrpene Glycoside, hợp chất Phennolic. Trong rau sam còn chứa nhiều axit béo như omega-3, vitamin, khoáng chất và một số hợp chất tốt cho sức khỏe.
Flavonoid là thành phần nhiều nhất ở rau sam tập trung ở lá và thân cây. Đây là một chất có tính chống oxy hóa và chống viêm hiệu quả. Các nghiên cứu hiện đại đều chỉ ra rằng Flavonoid có tác dụng phòng chống ung thư, bảo vệ hệ tim mạch, thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động chống lại nguy cơ nhiễm trùng đặc biệt đối với các đối tượng bị suy giảm miễn dịch. Flavonoid còn tốt cho phụ nữ giai đoạn mãn kinh, giảm hiện tượng bốc hỏa, khó chịu cho họ.
Rau sam còn sở hữu một số khoáng chất tốt như phốt pho, sắt, mangan, canxi, đồng… trong rễ, thân, lá. Lá của rau sam còn giàu selen, magiê, vitamin A, vitamin C.
Nguồn chất béo thực vật từ rau sam giàu omega-3 không chứa cholesterol. Các axit béo phân lập từ rau sam chứng minh tốt cho sức khỏe của hệ tim mạch.
Ngoài ra, trong thành phần của rau sam còn chứa Protulaca oleracea làm giảm trọng lượng cơ thể, axit béo tự do trong máu và tăng insulin máu, tăng độ nhạy của insulin và cải thiện sự suy giảm dung nạp glucose và chuyển hóa lipid trên chuột mắc bệnh đái tháo đường. Các nghiên cứu trên chuột cho thấy nó có thể là triển vọng trong điều trị đái tháo đường. Vì vậy, rau sam được coi là thực phẩm tốt cho người bệnh bị này.
Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, tư vấn:
Từ xa xưa dân gian đã áp dụng lời chỉ dạy “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Trong Đông y, rau sam cũng trở thành phương thuốc vườn nhà trị các bệnh thường gặp. Đây là rau dễ sống có thể phát triển ở vùng đất khô cằn. Quan niệm Đông y cho rằng rau sam có vị chua, tính lạnh, không có độc tính có thể dùng làm rau ăn tươi hoặc phơi khô làm thuốc sắc uống. Trẻ nhỏ từ 2 đến 3 tuổi cũng có thể dùng loại rau này để trị nhiều chứng bệnh khác nhau.
Rau sam dùng chủ trị các bệnh như kiết lị, mụn nhọt, tiểu ra máu. Rau sam còn giúp thanh nhiệt, giải độc. Bạn có thể dùng rau sam nấu canh, luộc hoặc dùng luộc chung với rau muống, rau cải, rau dền.
Các bài thuốc từ ra sam từ trong các sách đông y hướng dẫn như người đi tiểu ra máu có thể lấy rau sam khô sắc chung với cỏ mực, cỏ sữa tươi, rau má cho vào sắc từ 3 bát nước cô đặc lấy 1 bát, uống ngày 3 lần kéo dài từ 5 đến 7 ngày sẽ hết triệu chứng này. Bị mụn nhọt lấy rau sam rửa sạch giã nát rồi đắp liên tục trong vài ba ngày sẽ có kết quả.
Lưu ý, khi dùng rau sam làm thực phẩm hay làm thuốc, rau có vị chua, hàn nên dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Những người cơ thể hàn nên hạn chế ăn tránh lạnh bụng.