Gần đây chuyện rau sạch, rau nhiễm hóa chất độc hại lan truyền khắp các trang mạng khiến người dân không khỏi lo lắng về những loại rau mình vẫn ăn hằng ngày.

Chị Nguyễn Việt Nga (Thanh Trì, Hoàng Mai) cho biết gia đình có 2 con nhỏ nên chị rất chú ý mua thực phẩm sạch. Ngoài tự trồng, chi thường vào siêu thị thực phẩm sạch để mua thêm rau. Tuy nhiên, rất nhiều lần, khi chị luộc rau muống xong thì nước rau chuyển sang màu xanh lét. "Tình trạng nước chuyển màu còn xuất hiện cả khi mình luộc rau khoai lang, hay rau cải... Điều này khiến mình rất bất an nhưng cũng không rõ tại sao" - chị Nga cho biết.

Về vấn đề này, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, khi luộc rau mà nước rau màu xanh là do trong nước có nhiều chất kiềm, có hàm lượng vôi cao hoặc canxi cao. Vì có tính kiềm nên khi luộc rau nước sẽ chuyển màu xanh.

Ông Thịnh cho rằng trong nước đôi khi có dư lượng canxi và magiê nên có tính kiềm. Tình trạng nước rau chuyển màu xanh không ảnh hưởng đến chất lượng và dinh dưỡng, do đó sử dụng nước luộc rau này không ảnh hưởng đến sức khỏe.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh tiết lộ thêm khi luộc rau, nếu chúng ta có thể cho thêm 1 thìa nhỏ muối Natri hiđrocacbonat (NaHCO3 - dùng cho người bị đau dạ dày) vào nồi nước luộc thì rau và nước rau đều xanh. Chuyên gia cũng cho rằng nước rau xanh không liên quan gì đến các loại phân bón, vì thế người tiêu dùng cứ yên tâm sử dụng.

{keywords}

Nhiều người tin rằng rau tự mình trồng luôn là rau sạch. (Ảnh: Internet)

Hiện nay, khi thời tiết vào hè thì rau muống và rau khoai lang đang là lựa chọn của rất nhiều người với công dụng ăn mát. Và để bát canh ngon hơn, nhiều người có thói quen cho thêm sấu hoặc vắt nước cốt chanh vào nước luộc rau. Bình thường khi cho chanh hoặc sấu vào, chất axit sẽ làm mất diệp lục chuyển thành màu nước trong. Tuy nhiên, nếu mua phải rau nhiễm chì thì khi luộc sẽ có nước màu hơi đục, khi cho chanh hoặc sấu vào nước mà không thay đổi màu sắc.

Rau muống nhiễm chì thường có màu xanh rất sẫm và không có độ tươi. Vì vậy, người dân nên quan sát bề mặt của rau, nếu rau xanh đậm, xanh đen thì không nên mua.

Rau tự trồng trong thùng xốp có thực sự an tâm?

Trước thực trạng rau phun thuốc trừ sâu, rau quả nhiễm hóa chất kích thích hay hóa chất bảo quản… nhiều người dân thành phố đã tự trồng rau theo mô hình tự cung tự cấp. Nhưng việc tự trồng rau tại nhà trong thùng xốp cũng có những rủi ro nhất định. Không phải những thùng rau được trồng tại nhà cứ lớn lên là đã đảm bảo an toàn và chất lượng về mặt dinh dưỡng.

Theo các chuyên gia về cây trồng, có 5 yếu tố ảnh hưởng tới việc sinh trưởng cũng như chất lượng an toàn, chất lượng dinh dưỡng của rau khi trồng: đất, phân, nước, ánh nắng và hạt giống.

Vì khi tự trồng thì đất chỉ bó hẹp trong thùng xốp nên việc chúng ta chăm bón không đúng cách (bón phân quá nhiều hay quá ít) đều ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của rau.

Ngoài ra, việc chọn giống rau cũng rất quan trọng. Trên thực tế, nếu hạt giống đó là loại trôi nổi trên thị trường thì nguy cơ gây độc hại là rất cao vì có thể đã bị xử lý qua hóa chất mà bằng mắt thường chúng ta không thể nào thấy được.

Hạt giống nói chung có quy trình bảo quản rất nghiêm ngặt, phải để trong kho lạnh, nhiệt độ thấp mới bảo quản được lâu. Nếu đưa ra thị trường muốn đảm bảo các điều kiện về phát triển, chống mối mọt thì buộc phải dùng chất bảo quản, nếu không xử lý sẽ có một số nấm bệnh lây truyền qua hạt giống, chất lượng hạt giống không đảm bảo.

Hiện nay người ta thường dùng Metalaxil để chống mốc và dùng một số chất khác để chống mối mọt cho hạt giống, là một dạng của thuốc trừ sâu. Hạt giống xử lý hóa chất thì không được ăn do có thuốc trừ sâu và thuốc trị bệnh.

Lưu ý khi tự trồng rau ăn: Khi trồng rau tại nhà, người dân phải hết sức chú ý trong các khâu chọn giống, chăm sóc, tưới bón. Đặc biệt, đối với các loại rau mầm, khi trồng cần hết sức cẩn trọng vì rau mầm sinh trưởng trong thời gian ngắn. Nếu các loại giống rau mầm không được bảo quản theo quy trình thì việc trồng rau ăn rất nguy hiểm, có thể nhiễm các hóa chất bảo quản.

Vì vây, khi mua hạt giống trồng rau mầm chỉ nên mua những loại hạt được đóng gói cẩn thận có đầy đủ thông tin cụ thể của nhà sản xuất và nên kiểm tra, có nguồn gốc xuất xứ.

Bất kể là rau mầm, rau tự trồng hay mua, trước khi sử dụng người tiêu dùng nên rửa sạch và rửa trước vòi nước cho hết bẩn. Và nấu chín trước khi ăn, tránh ăn các loại rau sống.

Theo NLĐ