Rau mùi còn được gọi là ngò rí, hồ tuy, hương tuy, nguyên tuy. Cây phát triển quanh năm, cao 35-50cm. Toàn thân và lá có mùi thơm dễ chịu. Ở Việt Nam, cây được trồng phổ biến làm gia vị. Tại một số nước Địa Trung Hải, châu Á, rau mùi được trồng để lấy quả làm thuốc và cất tinh dầu dùng trong ngành nước hoa. Bên cạnh đó, các bộ phận như thân, rễ, lá rau mùi được sử dụng làm dược liệu.
Trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc của Việt Nam, Giáo sư Đỗ Tất Lợi cho biết, rau mùi có vị cay, tính ôn, khu phong, long đờm, dùng làm thuốc mạnh dạ dày, tiêu cơm, thông khí ở bụng dưới, lợi đại tiểu trường.
Thành phần dinh dưỡng
Theo Advance Health, rau mùi giàu các loại vitamin và khoáng chất quan trọng bao gồm:
- Vitamin A: Cần thiết cho thị lực, chức năng miễn dịch và sức khỏe làn da.
- Vitamin C: Là chất chống oxy hóa, hỗ trợ hệ miễn dịch và tổng hợp collagen.
- Vitamin K: Quan trọng cho quá trình đông máu và sức khỏe xương.
- Axit folic (Folate): Hỗ trợ tổng hợp và sửa chữa ADN.
Ngoài ra, rau mùi còn chứa chất xơ giúp tiêu hóa tốt cùng các khoáng chất thiết yếu như kali, canxi và magiê.
Lợi ích sức khỏe
1. Chống oxy hóa: Theo Medical News Today, rau mùi chứa nhiều chất chống oxy hóa, giảm viêm nhiễm trong cơ thể.
2. Hỗ trợ điều hòa đường huyết: Nghiên cứu cho thấy rau mùi có thể giúp giảm đường huyết nhờ kích hoạt enzyme loại bỏ đường khỏi máu, rất hữu ích cho người mắc bệnh tiểu đường.
3. Tăng cường sức khỏe tim mạch: Rau mùi có thể làm giảm cholesterol xấu (LDL), tăng cholesterol tốt (HDL), điều hòa huyết áp nhờ hàm lượng kali cao.
4. Hỗ trợ tiêu hóa: Chất xơ trong rau mùi hỗ trợ cải thiện tiêu hóa và giảm triệu chứng khó tiêu.
5. Kháng khuẩn: Rau mùi chứa các hợp chất kháng khuẩn chống lại vi khuẩn như Salmonella.
6. Bảo vệ da: Chất chống oxy hóa trong rau mùi có thể bảo vệ da khỏi lão hóa và tác hại của tia UV.
Lưu ý
Mặc dù rau mùi mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, một số người có thể gặp phải phản ứng không mong muốn:
1. Dị ứng: Một số người bị dị ứng với rau mùi, biểu hiện qua các triệu chứng như ngứa, nổi mẩn đỏ, hoặc khó thở. Đây là tình trạng không phổ biến nhưng cần lưu ý, đặc biệt ở những người có tiền sử dị ứng với các loại thảo mộc thuộc họ hoa tán (Apiaceae) chẳng hạn như thì là và mùi tây.
2. Vị xà phòng: Theo Verywell Health, khoảng 4-14% dân số có cảm giác rau mùi có vị xà phòng. Nguyên nhân do gene OR6A2, liên quan đến khả năng nhận biết hợp chất aldehyde trong rau mùi.
3. Tương tác thuốc: Rau mùi có thể làm giảm đường huyết, vì vậy người đang dùng thuốc điều trị tiểu đường nên sử dụng cẩn thận để tránh hạ đường huyết quá mức.
4. Phụ nữ mang thai: Dù rau mùi an toàn khi dùng ở liều lượng thông thường, việc sử dụng tinh dầu hoặc chiết xuất rau mùi liều cao có thể gây co thắt tử cung.