Tiền bản quyền của nhạc sĩ lão thành ổn định hơn người trẻ  

Năm 2024, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu hơn 393 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, từ quý IV/2023 đến quý III/2024 phân phối hơn 256,8 tỷ đồng cho các chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc.  

Số tiền của Quý IV/2024 vừa tổng kết là 94 tỷ đồng, sẽ phân phối trước tết Nguyên đán 2025. 

Nhạc sĩ, NSƯT Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC - chia sẻ với phóng viên VietNamNet, hoạt động thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc giai đoạn đầu từng gặp rất nhiều khó khăn, nay đã có nhiều dấu hiệu tích cực, khả quan.

"Hiện tại, nhiều nhạc sĩ được phân phối tiền bản quyền hơn 1 tỷ đồng/năm. Trường hợp chạm đến mốc 1 tỷ đồng/quý có nhưng rất hiếm hoặc thuộc trường hợp đặc biệt do tình huống nào đó phát sinh. Số nhạc sĩ nhận vài trăm triệu mỗi năm đã là chuyện thường tình", theo ông Cẩn.

473616729_3885927785002577_222862359391799341_n.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng nhận hơn nửa tỷ đồng tiền bản quyền cho 1 quý. Ảnh: FBNV

Tổng Giám đốc VCPMC tiết lộ nhóm nhạc sĩ lão thành, nhất là mảng nhạc cách mạng, có mức tiền bản quyền ổn định hơn nhạc sĩ trẻ.

Cụ thể, nguồn thu từ không gian mạng của họ không quá cao nhưng tác phẩm lại được sử dụng đều đặn bởi các đài truyền hình, phát thanh, các chương trình, sự kiện nghệ thuật, chính trị hằng năm. 

Trong khi đó, nhạc sĩ trẻ hay thỉnh thoảng "trúng" hit, mức tiền bản quyền có thể tăng chạm đỉnh trong một thời gian rồi xuống thấp khi bài hết hot.

Ông Cẩn tự hào khi tiền bản quyền giúp nhiều nhạc sĩ có cuộc sống tốt. Khi họ qua đời, số tiền này tiếp tục được sử dụng để lo cho vợ con, hương hỏa...

"Mỗi lần thân nhân các nhạc sĩ báo tin các thành viên trong gia đình đau bệnh được chữa trị tốt nhờ tiền bản quyền của cha mẹ, ông bà để lại, tôi rất hạnh phúc", ông nói thêm.

79 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả

VCPMC cho biết thường xuyên gặp khó khăn trong việc cấp phép sử dụng quyền, bảo vệ quyền ở các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực biểu diễn do tình trạng xâm phạm diễn ra phức tạp, bao gồm các show trong nước và các show quốc tế.

Nhiều show diễn, sân khấu biểu diễn chưa trả tiền bản quyền trong thời gian dài như: Mây Lang Thang (trên 300 chương trình vi phạm), Lululola (trên 200 chương trình vi phạm)...

Năm ngoái, Trung tâm đã kiện Công ty TNHH Âm nhạc IME vì không trả tiền bản quyền cho show 2024 Live tour concert: Chanyeol (City-scape) in Ho Chi Minh, tương tự Công ty TNHH TJ Communications - đơn vị tổ chức show 2024 Baekhyun Asia Tour (Lonsdaleite) in Ho Chi Minh.

w c72369a56bbdd7e38eac 91938.jpg
Ông Đinh Trung Cẩn (trái). 

Đơn vị cũng thông tin, làm việc với các đối tác như Hiệp hội Bản quyền Âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA) để phối hợp xử lý ngăn chặn hành vi xâm phạm. 

Ở lĩnh vực phát sóng/phát thanh - truyền hình, hồ sơ kiện Đài PTTH Bà Rịa - Vũng Tàu của VCPMC đã được Tòa án thụ lý, giải quyết. 

Đến nay, đơn vị đã thực hiện tổng cộng 79 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng; giải quyết xong 34 vụ.

Ở lĩnh vực kỹ thuật số, media, ngoài biện pháp pháp lý, VCPMC còn áp dụng các biện pháp công nghệ.

Năm qua, Trung tâm cũng làm việc, giao lưu, hợp tác với các công ty, tổ chức nước ngoài như: Liên đoàn quốc tế các hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc (CISAC), Google, Meta, Spotify, SESAC Music Group...