Điều này yêu cầu phải có một hệ thống nhằm phục vụ tập hợp, quản lý thống nhất các thông tin, dữ liệu về ĐBSCL, bảo đảm thông tin được khai thác hiệu quả và phát huy tối đa giá trị của dữ liệu; các tỉnh vùng ĐBSCL cần các dữ liệu đa ngành, đa lĩnh vực, dữ liệu tổng hợp để hoạch định các chính sách phát triển KT-XH trong bối cảnh BĐKH ảnh hưởng nặng nề tới sinh kế của cộng đồng.
Thông tin, dữ liệu về ĐBSCL phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, đang được quản lý rời rạc theo các cấp như trung ương, địa phương, các tổ chức, cá nhân, chưa hình thành CSDL, nhất là CSDL dùng chung. Một số thông tin, dữ liệu về quy hoạch, KT-XH, dân cư, nguồn lực, cơ cấu kinh tế, tốc độ phát triển, đầu tư còn thiếu và đang được lưu dưới dạng giấy thủ công. Việc quản lý chưa thống nhất, thiếu đầy đủ, đồng bộ, gây khó khăn cho công tác khai thác, sử dụng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác QLNN còn chậm.
Tại phiên thảo luận chủ đề "Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế", trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect cuối năm vừa qua diễn ra tại TP Cần Thơ, nhiều đại biểu hối thúc việc đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Ngô Tường Vy - giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - cho rằng trong vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản, cần có dữ liệu ở tầm quốc gia, nếu chưa làm được ở tầm quốc gia thì trước mắt xây dựng cho Đồng bằng sông Cửu Long, thì mới hiệu quả.
"Cần sớm có dữ liệu dùng chung quản lý truy xuất nguồn gốc để có vùng nguyên liệu minh bạch đạt được niềm tin và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Ở đó nông dân sử dụng loại phân thuốc gì, áp dụng mô hình nào, tham gia chuỗi liên kết nào thì họ tự nhập vào", bà Vy đề xuất.
Đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho rằng hiện nay Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai nhiều đề án, nhiều giải pháp cho vùng nguyên liệu phục vụ ngành chế biến lương thực, thực phẩm, trong đó có đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022 - 2025 tại 13 địa phương trên cả nước, có bốn tỉnh miền Tây.
Theo đề án này, trong giai đoạn 2022 - 2023 hình thành 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, xây dựng 5 trung tâm sơ chế. Tuy nhiên đề án lại "bỏ sót" dữ liệu dùng chung.
Nếu không có cơ sở dùng chung này thì rất là khó, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hàng hóa lúc dư, lúc thiếu, doanh nghiệp và người trồng không thể tốt hơn được. TP.HCM và các tỉnh chủ động đề xuất giao Văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, xây dựng cơ sở dữ liệu này.
Mạnh dạn đặt hàng và có sự phối hợp thì mới làm tốt, giải quyết được rất nhiều vấn đề hiện nay. Khi có được dữ liệu này thì chúng ta tiếp cận được thị trường, dữ liệu rất quan trọng cho cả khâu cung ứng lẫn khâu sản xuất.
Tương tự, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cũng mong muốn cơ sở dữ liệu dùng chung này được triển khai nhanh chóng, vì điều đó hỗ trợ nhiều cho đơn vị phân phối kiểm soát được nguồn gốc hàng hóa.