Trong không gian và thời gian đương đại, chúng ta sẽ nói chuyện gì khi nói về Truyện Kiều của cụ Tiên Điền nhân giỗ Cụ 200 năm (1820-2020)?
Chẳng có gì lạ nếu những việc như nữ quyền, bình đẳng giới, tự do luyến ái, hay dung hợp tôn giáo lập tức hiện ra trong tâm thức người đương thời khi nhắc đến Kiều.
Một cảnh trong vở ba lê Kiều của nghệ sĩ Tuyết Minh |
Dẫu thế, đấy hẳn nhiên không phải là những khái niệm mà khi xưa cụ Nguyễn Du từng trăn trở, mà là lối hiểu, lối nghĩ, lối diễn giải của chúng ta ngày nay khi đọc kiệt tác của Cụ. Cô Kiều của cụ Nguyễn tựa hồ không tuổi, luôn được thanh xuân hoá để sánh bước bên ta, đặc biệt cùng những người trẻ. Vừa đi, Kiều vừa thủ thỉ, nhắc ta về căn tính văn hoá mà nếu không biết gìn giữ nó, ta sẽ dùng dằng nửa ở, nửa về giữa nghịch cảnh “hoà nhập” với “hoà tan”, e sao quên mất lối về nhà trong cõi người ta đang sầm sập toàn cầu hoá.
Truyện Kiều và căn tính văn hoá Việt
Chẳng phải là quá khi nói cái đẹp của Kiều chỉ người Việt mới chiêm ngưỡng được hết. Nói thế cũng là để nhấn mạnh ý thức về căn tính dân tộc bước ra từ cái đẹp văn chương quan trọng đến nhường nào trong bối cảnh toàn cầu ngày nay. Trước khi là tư tưởng, cái đẹp ấy như duyên ngầm chảy trong từng con chữ được kết nối tài hoa tạo nên nhạc tính của cả bản tổng phổ mỹ lệ mang tên Kiều.
Khi muốn báo hiếu tiếng Việt qua bản kể Kiều của mình bằng tiếng Anh, nhà thơ Dương Tường hẳn đã không ngại đối mặt với một thử thách vô song để ít nhiều đưa cái đẹp tổng thể của Kiều vào không gian Anh ngữ. Khi Thượng chi Phạm Quỳnh ngâm câu Kiều, Phong trần mài một lưỡi gươm - Những phường giá áo, túi cơm xá gì, ông “bỗng thấy trong lòng vui vẻ, trong dạ vững vàng, muốn nhảy múa, muốn reo hò, muốn ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ”.
Và khi dịch Kiều sang tiếng Pháp dưới thời thuộc Pháp, Tân Nam Tử Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã gửi nỗi niềm, ý thức dân tộc vào từng dòng thơ dịch, “Một quyển truyện Kiều, mà giả sử được ngọn Tây-bút nào tài, diễn dịch ra một thứ tiếng Âu-châu nào, cũng đủ chứng cho người Âu-châu phải công nhận rằng cái lối văn-chương, có tư-tưởng, có tâm-lý, có triết-học, không phải là một lối văn-chương riêng của các nước bên Âu-Mỹ; người Nam-Việt cũng có cái cảm-giác ấy, cũng có cái tư tưởng ấy”.
Poster phim Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền sẽ ra mắt vào đầu năm sau |
Vậy nên, đọc Kiều không đơn thuần chỉ là thưởng ngoạn văn chương: lúc nếm trải khoái cảm thẩm mỹ ấy cũng chính là lúc ta ý thức rõ hơn căn tính văn hoá Việt của mình.
Tiếp nối từ cổ điển đến đương đại
“Văn hoá,” “truyền thống” không phải là di sản truyền đời cố định, bất biến, mà chúng ta chỉ là người tiếp nhận thụ động. Trái lại, con người luôn là nhân tố tích cực tham gia (tái) kiến tạo văn hoá, truyền thống thời mình sống, hoặc ý thức, hoặc vô thức. Tương tự, người đọc tạo ra những kiếp luân hồi cho tác phẩm văn chương bằng cách đọc vào đó những ý nghĩa mới, những vấn đề của thời đại mình trong khi diễn giải. Chúng ta cần nhận ra điều này và trở thành chủ thể ý thức trong việc kiến tạo văn hoá, truyền thống, cũng như xây dựng xã hội, thế giới của mình.
Giáo sư Thanh Lãng đã vẽ nên một “Cuộc sống thăng trầm của Đoạn Trường Tân Thanh”, cho thấy các thế hệ người đọc đã nhận diện Kiều như thế nào, từ một “Kiều hài nhi” của thế hệ 1788-1820, sang “Kiều thần tượng - Kiều minh tinh” của thế hệ 1913-1932, cho đến những kiếp đời luân hồi không dứt của “Kiều đầu thai”, khởi sự với thế hệ 1954-1965.
Giáo sư Nguyễn Nam đưa sinh viên Fulbright đi thực địa tìm hiểu về lịch sử, văn hoá Việt Nam tại Huế |
Việc những người trẻ hôm nay đọc ra trong Kiều những vấn đề của thời đại họ tự nhiên như hơi thở: nhờ thế mà Kiều không bao giờ là một di thể xơ cứng, không sức sống. Thế nhưng quan trọng hơn là phải giúp lớp trẻ ấy ý thức vai trò chủ thể kiến tạo có trách nhiệm của mình qua việc họ đang làm: đó là thông hiểu, hân thưởng và phả hơi thở đương đại vào một tác phẩm văn chương kinh điển tầm cỡ thế giới của dân tộc.
Kiều đầu thai vào đời sống hiện đại dưới nhiều hình thức: Kiều đi vào diễn văn ngoại giao của các vị Tổng thống Hoa Kỳ; Kiều sánh vai với văn chương thế giới, với triết lý duyên do sinh hiện gần với ikigai Nhật Bản; Kiều được kể lại bằng tiếng Anh qua sinh nghiệm một đời của người dịch; Kiều được đọc qua lăng kính của học giả Bắc Mỹ; Kiều tiếp hiện cùng với diễn hoá của văn hoá “truyền thống” Hà Tĩnh và cả nước; Kiều được người Pháp cải biên thành phim với dàn diễn viên của sân khấu truyền thống Việt đầu thập niên 1920; Kiều bước lên sân khấu cải lương, ba lê, hiển hiện trên màn bạc qua ngôn ngữ điện ảnh đương đại ở trong và ngoài nước.
Việc vun bồi căn tính văn hoá Việt trong thế hệ trẻ như một trong những nhân tố cốt tuỷ xây dựng xã hội trong bối cảnh toàn cầu cho phép ta kỳ vọng một sự tiếp nối từ cổ điển đến đương đại: sẽ đẹp biết bao khi thế hệ trẻ hôm nay nói được những vấn đề của họ, của đất nước qua những tác phẩm văn chương - nghệ thuật lấy cảm hứng từ Kiều, viết nên những ca khúc phổ nhạc từ Kiều, hay thậm chí rap Kiều bằng chiều sâu tâm hồn Việt. Sẽ chẳng phải là mâu thuẫn khi nói rằng với ý thức căn tính văn hoá được xác lập vững chắc, những người trẻ hôm nay sẽ đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển xã hội với tư cách công dân toàn cầu.
Với những nội dung trên, hội thảo“Nguyễn Du với Đương đại” được tổ chức tại Đại học Fulbright Việt Nam (24/10) với sự tham gia của các nghệ sĩ, nhà giáo, nhà nghiên cứu là nén tâm hương nhân 200 năm năm mất của Đại thi hào Nguyễn Du. Hội thảo mở ra đối thoại xuyên thế hệ, gửi trọn niềm tin vào vai trò (tái) kiến tạo của thế hệ trẻ trong tương lai.
TS Nguyễn Nam (Đại học Fulbright Việt Nam)
Lẩy Kiều trên đất Mỹ và thông điệp với nước Việt
Một cơ chế công khai minh bạch "vén mây giữa trời", vẫn là điều kiện cần thiết để nước Việt khoẻ khoắn trên hành trình hội nhập.