|
Danh sách khách hàng tiềm năng được rao bán trên website dichvu…com. (Ảnh website chụp chiều 5-11) |
Tùy tiện “chia sẻ” thông tin cá nhân
Một tháng sau khi sinh con tại một bệnh viện ở Hà Nội, chị Mai (Cầu Giấy) liên tiếp nhận được cuộc gọi “chăm sóc khách hàng” từ nhân viên các hãng sữa. “Hết hãng sữa này đến hãng sữa khác gọi hỏi thăm tình hình mẹ và bé. Nào là cân nặng, chiều cao, bé dùng sữa gì… rồi sau đó giới thiệu sản phẩm sữa của họ. Phụ nữ mới sinh thì vừa mệt mỏi, vừa bận rộn, đã thoái thác có việc bận nhưng họ vẫn gọi lại”- chị Mai kể. Chị Mai chắc chắn rằng bệnh viện nơi chị sinh con đã tiết lộ thông tin về tên tuổi, số điện thoại của cá nhân chị cho các hãng sữa.
Không riêng chị Mai, rất nhiều người khác cũng bất bình với việc bỗng dưng được nhân viên của hãng bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng nào đó mời chào sử dụng dịch vụ. Bất chấp người nhận điện có muốn nghe hay không, phía đầu dây bên kia vẫn kiên trì thuyết phục, trừ khi khách hàng bất bình, buộc phải khiếm nhã dập máy đột ngột. Càng những nhân vật “VIP”, điện thoại tiếp thị càng nhiều.
Thời gian gần đây, tình trạng rao bán thông tin cá nhân gồm: tên, tuổi, công việc, số điện thoại, email… lại rộ lên sau một thời gian tạm thời lắng xuống. Gõ từ khóa “mua bán thông tin cá nhân” trên google, chỉ mất 0,31 giây đã cho 13 triệu kết quả. Tổ chức, doanh nghiệp nào có nhu cầu mua thông tin cá nhân thì vào các địa chỉ này để tìm kiếm, ngã giá, thậm chí được kiểm tra chất lượng “hàng”. Chỉ với khoảng 500.000 đồng, khách hàng đã có 25 triệu địa chỉ email, số điện thoại của những người “biết” nhưng không hề “quen”.
Chế tài quá nhẹ
Đầu năm 2012, Tổng cục An ninh II - Bộ Công an đã có đề nghị xử lý 3 cá nhân và webiste chuyên mua bán thông tin cá nhân của người khác. Sự kiện này khiến cho hoạt động mua bán thông tin cá nhân chìm đi trong một thời gian. Tuy nhiên, dường như khi người dân đang tiết giảm chi tiêu thì các doanh nghiệp, ngân hàng lại “kích cầu” bằng cách đẩy mạnh “chăm sóc khách hàng”, mở rộng hoạt động mà bước đi đầu tiên là mua bán thông tin cá nhân của người khác.
Một lãnh đạo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho rằng, hiện nay chế tài xử phạt hành vi vi phạm này chủ yếu là xử phạt hành chính, mức phạt cũng còn quá nhẹ. Theo Nghị định 83/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, mức phạt cho hành vi này từ 30-50 triệu đồng. Đối với cá nhân, thu thập thông tin của người khác từ nhiều nguồn khác nhau (từ bạn bè, danh sách kinh doanh buôn bán, danh sách đăng ký mua xe...) đem bán sẽ phải chịu mức xử phạt từ 2 - 5 triệu đồng. So với lợi nhuận khổng lồ thu được từ hoạt động rao bán thông tin thì khoản tiền phạt này chỉ như “ném đá ao bèo”. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định: “người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu” nhưng lại chưa đề cập đến chế tài xử lý vi phạm.
Thêm vào đó, có thực tế là người dùng mạng internet đang ngày càng để lộ thông tin cá nhân của mình nhiều hơn. Thông qua việc tham gia vào mạng xã hội: blog, facebook, twitter… mỗi thời điểm, các công dân mạng lại phải khai thêm các thông tin cá nhân, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về tình trạng này. Các chuyên gia về an toàn thông tin cũng không loại trừ trường hợp, thông tin cá nhân bị lộ từ các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Theo Vân Hằng, An Ninh Thủ Đô