Việc phạt tiền hành chính thay vì truy cứu trách nhiệm hình sự ra tòa không có tính răn đe cao. Đây là kẽ hở lớn nhất khiến các “cẩu tặc” không e ngại nếu bị đưa ra trước pháp luật.

Theo dự thảo Bộ luật hình sự (BLHS) sửa đổi để lấy ý kiến (từ 15/7/2015 đến 20/9/2015), hành vi rải đinh trên đường bị coi là tội phạm nhằm tăng cường tính răn đe. Theo đó, BLHS đã bổ sung tội “rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ” tại Điều 270, với hình phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù đến 5 năm.  

Tuy nhiên, điều nhiều người băn khoăn là vì sao hành vi trộm chó, vốn gây bức xúc và hệ lụy không kém, thậm chí còn hơn, chưa xuất hiện trong dự thảo. Bài viết này một lần nữa nhấn mạnh mối lo ngại về vấn nạn trộm chó và phân tích những quy định mới của Dự thảo đủ tạo thành căn cứ để hình sự hóa hành vi này.

Từ trộm chó đến mạng người

Vấn nạn trộm chó thực sự là một nỗi đau nhức nhối cho xã hội, khi trong không ít trường hợp, một đám đông cuồng nộ sẵn sàng đánh hội đồng đến chết người để trả thù cho con chó. Lý thuyết tâm lý học đám đông lý giải, những con người bình thường trong một bối cảnh bị kích động đặc biệt có thể biến thành đám đông hung ác.

Những kẻ trộm chó thể hiện một sự liều lĩnh đáng kinh ngạc khi bất chấp nguy cơ mất mạng. Có thể liên hệ với những kẻ buôn bán ma túy, mặc dù biết phải chịu án tử hình nếu bị bắt, vẫn chấp nhận đánh đổi lấy cơ hội kiếm được lợi nhuận phi pháp kếch xù. Hẳn rằng, buôn bán chó trộm phải có lợi nhuận cao hoặc những kẻ gây án nghiện ma túy.

Trong các vụ kẻ trộm chó bị tấn công đến chết, tất cả vừa là kẻ phạm tội vừa là nạn nhân. Trong hành vi trộm chó, tên trộm là kẻ phạm tội, chủ chó là nạn nhân; và ngược lại trong hành vi giết người.  

Việc một cộng đồng thay chính quyền “thực thi công lý” một cách không chính đáng và bất nhân là một dấu hiệu rõ ràng về sự thất bại của an ninh cộng đồng. Không ai có quyền tước đoạt mạng sống của người khác trái pháp luật là một nguyên tắc không phải bàn cãi.

{keywords}
Xe của kẻ trộm chó bị đốt trụi

Hình sự hóa hành vi trộm chó

Nhìn ở góc độ khác, có thể nói một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “xử lý hội đồng” là do hành vi trộm vật nuôi chưa bị xử lý thích đáng. Bởi vậy, theo người viết, xử lý nghiêm hành vi trộm chó sẽ là biện pháp giúp góp phần giảm bớt, triệt tiêu “đánh hội đồng”.

Giải pháp căn cơ nhất, như nhiều nước vẫn làm, là cấm hoàn toàn việc ăn thịt chó và giết chó lấy thịt phải bị coi là vi phạm pháp luật. Không có nhu cầu thì sẽ cung sẽ biến mất. Nhưng ở Việt Nam, có lẽ không đơn giản như vậy.

Để tiếp cận vấn đề đúng đắn, trước hết cần đánh giá đúng vị trí của con chó trong xã hội Việt Nam. Ở nhiều nước, chó là loài thú cưng được pháp luật về bảo vệ nghiêm ngặt: chưa nói đến giết ăn thịt, ngược đãi chó là vi phạm pháp luật. Đối xử tệ bạc với động vật bị pháp luật trừng trị, ăn thịt thú cưng bị lên án.

Thật nghịch lý, người Việt vừa yêu loài chó lại vừa thích ăn thịt chó. Một người thỉnh thoảng đi nhắm rượu “cày tơ bảy món”, về nhà lại vuốt ve cún yêu được coi là hết sức bình thường. Do đó, giống như Hàn Quốc, một khi thịt chó còn được ưa chuộng, cấm ăn thịt chó là khó khả thi ở Việt Nam.

Bởi vậy, nếu pháp luật vẫn cho phép ăn thịt chó, thì vẫn rất cần những quy định, biện pháp để ngăn chặn hành vi trộm chó.

Thứ nhất, kinh doanh thịt chó phải được kiểm soát chặt chẽ để cắt đứt nguồn cung bất hợp pháp. Chính việc thả nổi các quán cày tơ đã tiếp tay cho nạn tiêu thụ đồ trộm cắp và trộm chó. Các quán thịt chó phải tự nuôi hoặc mua thịt từ các trại nuôi được cấp phép. Các trại nuôi phải lập hồ sơ quá trình nuôi động vật và đáp ứng những tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn.

Người dân có thể đăng ký để gắn chip điện tử vào vật nuôi để giúp truy tìm dấu tích. Ở nhiều nước, đây là nghĩa vụ bắt buộc của chủ nuôi nhằm xác định vật nuôi mất tích và phạt chủ của vật nuôi bị bỏ rơi. Kẻ trộm, quán thịt chó sẽ e ngại điều này vì tung tích con vật sẽ được tìm thấy.

Thứ hai, hành vi trộm chó phải bị coi là tội phạm chứ không thể chỉ là vi phạm hành chính. Hiện nay, ăn trộm một hay thậm chí một vài con chó (thường bị định giá dưới 2 triệu đồng) không bị coi là tội phạm (tài sản trộm cắp phải từ 2 triệu đồng trở lên) mà chỉ là vi phạm hành chính. "Theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi “trộm cắp tài sản” dưới 2 triệu đồng được coi là vi phạm hành chính và bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện phạm tội."

Việc phạt tiền hành chính thay vì truy cứu trách nhiệm hình sự ra tòa không có tính răn đe cao. Đây là kẽ hở lớn nhất khiến các “cẩu tặc” không e ngại nếu bị đưa ra trước pháp luật. Dựa trên các quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, mặc dù giá trị thị trường của con chó có thể dưới 2 triệu đồng, hoàn toàn có thể truy cứu tội trộm tài sản gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tội cướp, cướp giật tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan chức năng rất khó vận dụng các điều khoản này để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhằm khắc phục khó khăn trên, dự thảo Bộ luật hình sự có quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng tài sản đó là “phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ” (khoản 1 Điều 172). Chó và các vật nuôi khác thân thiện với con người có thể được coi là tài sản “có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần”. Điều luật này sẽ là căn cứ pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trộm chó, mèo...

Về hình phạt, người bị kết án có thể chịu phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Như vậy, nếu người trộm chó phạm tội có tổ chức, hoặc có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát; phạm tội từ hai lần trở lên, họ có thể phải chịu hình phạt đến 7 năm tù. Đây là một sửa đổi đúng đắn trong dự thảo Bộ luật hình sự, cung cấp căn cứ pháp lý rõ ràng hơn, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trộm chó.

Bùi Tiến Đạt

(Giảng viên Khoa Luật-ĐHQGHN, NCS Đại học Macquarie, Australia)