Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn. Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí.
Đã từ lâu người dân luôn có thói quen vứt bỏ rác thải bừa bãi ra môi trường xung quanh. Trên các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, nơi này nơi khác có tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định, rác nằm ngay sát lề đường, dưới chân cột điện, miệng cống thoát nước... Phổ biến nhất là hành vi vứt rác ra đường hoặc nơi công cộng, hình thành điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thậm chí, người thiếu ý thức không bỏ rác vào thùng mà vứt ngay bên cạnh, mặc kệ rác văng tứ tung.
Tại địa bàn dân cư, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày đôi lúc chưa đúng quy định, rác thải không được thu gom, phân loại và xử lý phù hợp.
Với khí hậu thời tiết nóng ẩm thất thường sẽ tạo ra hiện tượng lên men, thối rữa và một số khí thải được sinh ra như H2S, NH3, CH4, SO2, CO2 sẽ làm ảnh hưởng đến bầu không khí gây môi nhiễm môi trường sống.
Rác thải sinh hoạt đang trở thành vấn đề nan giải đối với các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chất thải rắn sinh hoạt nếu không được thu gom và phân loại đúng cách ngoài việc gây ra các tác hại đến môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí mà còn là nguyên nhân gây thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên và thiệt hại về kinh tế.
Đặc biệt, rác thải sinh hoạt gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người. Trong thành phần rác thải sinh hoạt, thông thường hàm lượng hữu cơ chiếm tỉ lệ lớn. Loại rác này rất dễ bị phân huỷ, lên men, bốc mùi hôi thối.
Rác thải không được thu gom, tồn đọng trong không khí, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người sống xung quanh. Chẳng hạn, những người tiếp xúc thường xuyên với rác như những người làm công việc thu nhặt các phế liệu từ bãi rác dễ mắc các bệnh như viêm phổi, sốt rét, các bệnh về mắt, tai, mũi họng, ngoài da, phụ khoa.
Hàng năm, theo tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có 5 triệu người chết và có gần 40 triệu trẻ em mắc các bệnh có liên quan tới rác thải. Nhiều tài liệu trong nước và quốc tế cho thấy, những xác động vật bị thối rữa trong hơi thối có chất amin và các chất dẫn xuất Hydro sunfua (H2S) hình thành từ sự phân huỷ rác thải kích thích sự hô hấp của con người, kích thích nhịp tim đập nhanh gây ảnh hưởng xấu đối với những người mắc bệnh tim mạch.
Các bãi rác công cộng là những nguồn mang dịch bệnh. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, trong các bãi rác, vi khuẩn thương hàn có thể tồn tại trong 15 ngày, vi khuẩn lỵ là 40 ngày, trứng giun đũa là 300 ngày. Các loại vi trùng gây bệnh thực sự phát huy tác dụng khi có các vật chủ trung gian gây bệnh tồn tại trong các bãi rác như những ổ chứa chuột, ruồi, muỗi... và nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh cho người và gia súc....
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng trong việc giám sát, xử lý hành vi vi phạm, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải. Đưa ra quy định bắt buộc người dân phải phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình...
Nhưng quan trọng hơn cả đó chính là từng người dân phải nâng cao nhận thức, có ý thức giữ gìn vệ sinh ở bất cứ đâu; suy nghĩ và hành động đúng đắn để bảo vệ môi trường ngay từ việc nhỏ trong sinh hoạt, lao động mỗi ngày. Có như vậy mới bảo vệ được môi trường sống xanh - sạch - đẹp.