Rác thải nhựa từ đất liền trôi dạt ra biển đang ở mức rất báo động, lên tới hàng tỉ tấn mỗi năm. Nếu đúng như báo cáo của các nhà khoa học thuộc Quỹ Ellen MacArthur, Đại học Oxford, Đại học Leeds và Tổ chức Common Seas (Anh) công bố năm 2020 rằng, dự kiến đến năm 2050, lượng rác thải nhựa được con người xả thẳng ra biển sẽ nhiều hơn khối lượng cá đại dương trên toàn thế giới.
Rác thải nhựa ngày càng nguy hiểm cho các vùng biển của Việt Nam
Ô nhiễm trắng là loại ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon gây ra. Khái niệm này được các tổ chức môi trường toàn cầu nói đến nhiều từ những năm 2018. Riêng tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm trắng cũng đang ở mức báo động, đe dọa đến chiến lược phát triển kinh tế biển nói riêng, tác động tới phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Do có đường bờ biển dài (3.260km trải dọc 28 tỉnh thành) cùng hàng nghìn đảo lớn nhỏ (thuộc 12 huyện/thành phố đảo) nên Việt Nam ý thức được rất rõ, ô nhiễm biển đồng nghĩa với tự chặn sinh kế của mình. Trong khi kinh tế biển đang được kỳ vọng trở thành ngành mũi nhọn đột phá chiến lược đưa Việt Nam giàu lên từ biển, mạnh lên nhờ biển.
Chính vì vậy, khi lượng rác thải nhựa và túi nilon ngày càng gia tăng và khó kiểm soát ở nhiều nước trong đó không chỉ ở Việt Nam thì đây đã trở thành vấn nạn toàn cầu và không thể chỉ một vài quốc gia có thể giải quyết được. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm trắng (rác thải nhựa, túi nilon) ở Việt Nam hiện nay rất nghiêm trọng, khi lượng chất thải nhựa và túi nilon đang chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt.
Cụ thể, cứ 10kg chất thải rắn phát sinh thì có từ 8-12kg là rác thải nhựa và túi nilon. Nguy hại hơn, nếu trung bình 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn (đổ bỏ hoặc bị thả trôi nổi ra môi trường, trôi ra sông biển, bị vùi lấp trong đất…) thì lượng chất thải nhựa này có thể đạt gần 2,5 triệu tấn/năm. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường lẫn sức khỏe con người.
Cảm nhận rõ nhất tình trạng ô nhiễm trắng tại Việt Nam là người dân các tỉnh ven biển, khi rác thải nhựa đang ngày càng một nhiều và chưa có hướng xử lý dứt điểm. Rác thải nhựa tồn đọng một phần xuất phát từ sinh hoạt và sản xuất tại chỗ, một phần được thu gom lại do hoạt động xả thải từ các địa phương khác mang tới.
Sát thủ của biển cả
Sự khốc hại của rác thải nhựa là khó phân hủy, khó xử lý và là tác nhân gây ô nhiễm môi trường tại nhiều quốc gia. Cụ thể, nếu không có tác động của ánh sáng mặt trời, quá trình phân hủy của nhựa và túi nilon có thể kéo dài từ 500 – 1.000 năm. Nếu rác thải nhựa không được thu gom và xử lý đúng cách, chúng tích tụ quá nhiều hoặc nằm rải rác ngoài môi trường, chúng sẽ gây ra hiện tượng ô nhiễm trắng, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm không khí, tác động rất lớn đến hàng ngàn sinh vật sống bao gồm các loài động vật, vi sinh vật và cả con người.
Không riêng Việt Nam, tại nhiều nước nghèo khi tình trạng lạm dụng vô tội vạ, không kiểm soát các sản phẩm nhựa sử dụng một lần (bao nilon, cốc, thìa, bát nhựa…) đang khiến cho lượng rác thải tăng lên rất nhanh theo từng năm. Trong khi đó công nghệ tái chế chất thải nhựa không riêng tại Việt Nam chưa phát triển, nếu tái chế thì lại rất tốn kém. Do đó đi cùng với hành vi vứt rác bừa bãi trên đường, cống rãnh, kênh rạch…, sự thu gom và xử lý kém hiệu quả trong khi giá thành sản xuất lại quá rẻ khiến cho rác thải nhựa ngày càng tràn lan ngoài môi trường và rất khó đẩy lùi.
Với đất, khi túi nilon bị vùi lấp sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn, đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi vào đất, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng; làm tắc nghẽn cống rãnh, kênh rạch, gây ứ đọng nước thải hoặc ngập úng; ô nhiễm nguồn nước… Với biển cả, nó được mệnh danh là sát thủ khi giết chết trực tiếp các loài cá tôm, san hô hay các vi sinh vật biển; hủy hoại môi trường biển và tác động trực tiếp lên các ngành: du lịch biển, nuôi biển…
Theo tính toán của World Bank, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam. Ít nhất 10% trong số chất thải nhựa này lẫn vào đất, trôi ra biển, biến Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu trên thế giới. Nếu không kiểm soát tốt rác thải nhựa, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng; chiến lược phát triển kinh tế biển chắc chắn sẽ không thể thành công. Đặc biệt, chi phí để xử lý môi trường do rác thải nhựa mang đến sau này sẽ rất đắt đỏ và khó khăn, khi khủng hoảng ô nhiễm nhựa đã trở thành vấn đề đau đầu tại nhiều nước hiện nay.