Ở vùng biển Nam Sơn (xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị), hầu như ở sân nhà nào cũng có các chậu hoa, cây cảnh bắt mắt được làm từ rác tái chế.

{keywords}
Bà Hường bên chậu hoa được làm từ rác thải nhặt từ biển

Người đầu tiên có sáng kiến tái chế rác ở vùng biển này là vợ chồng ông Bùi Quang Miêng (SN 1966) và bà Nguyễn Thị Hường (SN 1967). Nhờ vợ chồng ông bà Miêng mà hoạt động tái chế rác đã lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư, giúp làm sạch bãi biển Cát Sơn.

Ông Miêng và bà Hường cho biết, cả 2 ông bà đều rất thích trồng hoa và cây cảnh. Vì thế, số lượng cây cảnh ở nhà ngày một nhiều, chi phí mua chậu tốn kém. Từ đó, ông bà bắt đầu nghĩ đến việc tự làm chậu để trồng cây.

Nhà chỉ cách biển 500m, hàng ngày 2 vợ chồng ông có thói quen ra biển tắm và tập thể dục. Khoảng năm 2017, từ một số loại rác thải nhặt được ở bờ biển, ông bà đã tự mày mò tái chế thành những sản phẩm đầu tiên.

{keywords}
{keywords}
Những sản phẩm từ rác thải của vợ chồng ông Miêng bà Hường

Chẳng hạn, với các phao nhựa nổi, vợ chồng ông Miêng cưa bỏ đi một phần miệng phao, sau đó sơn màu lên để tạo thành các chậu trồng cây bắt mắt.

Đối với các rác thải khác như mũ, áo len, áo phông..., hai ông bà nhúng vào chậu xi măng rồi nhấc ra để tạo hình. Sau khi xi măng khô thì quét lên các màu sơn, rồi mang trồng cây. 

“Cách làm chậu như thế này đơn giản, ai cũng có thể làm được, vừa tận dụng được rác tưởng như đã bỏ đi nên ai nấy đều học hỏi cách để làm. Giờ thì nhà nào cũng có các chậu trồng cây tái chế”, bà Hường cho biết.

Kiếm tiền từ... rác

{keywords}
Bà Hường giới thiệu hòn non bộ có hình cầu Vàng ở TP Đà Nẵng được làm từ xốp và vữa xi măng

Bà Hường chia sẻ thêm, lúc mới tập tành sử dụng facebook, làm ra được sản phẩm nào, bà đều dùng điện thoại ghi lại và đều đặn đăng lên mạng.

Qua facebook, mọi người dần biết đến các sản phẩm chậu hoa độc và lạ của vợ chồng bà Hường. Khách hàng quan tâm hỏi mua tăng lên. Từ đó, gia đình bà có thêm thu nhập từ việc tái chế rác thành các sản phẩm chậu trồng hoa.

Mỗi chậu trồng cây được bán với giá từ 70- 100 nghìn đồng. Bà Hường cũng trồng hoa, cây cảnh vào chậu rồi bán cả cây lẫn chậu cho khách.

Khoảnh sân của bà hiện trồng đủ các loại hoa và cây cảnh như: hoa giấy, hoa đồng tiền, mắt nai, dạ yến thảo, thần tài, cây trúc, si, sanh...

“Thấy các chậu trồng hoa mới, lạ, ai cũng tò mò và thích thú. Khách mua hàng còn có thể tự ý chọn kiểu, đặt kích thước, màu sắc, độ nông sâu của chậu. Ngoài ra, điểm khác biệt là mỗi chậu hoa tái chế này có mỗi kiểu khác nhau, chúng rất bền nên được khách ưu tiên lựa chọn trang trí ở sân vườn”, bà Hường nói.

Bà Hường còn tự hào khoe, tại cuộc thi làm sản phẩm tái chế ở hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Trị, bà đã mạnh dạn đưa sản phẩm đến dự thi và giành được giải nhì.

{keywords}
Chiếc túi xách bị vứt đi được chế tác lại thành chậu hoa gọn gàng
{keywords}
Bà Hường trình bày sản phẩm tại 1 cuộc thi

Ngoài ra, là chi hội trưởng phụ nữ thôn Nam Sơn, bà cũng đưa các sản phẩm của mình đến các hội nghị và hướng dẫn việc tái chế.

Từ đó, bà con xung quanh hưởng ứng và làm theo, hầu như nhà nào cũng có chậu cây được tái chế từ các vật dụng cũ, rác thải.

Ông Miêng bộc bạch: Tôi nghĩ đơn giản, một nhà tái chế được 10 cái chậu thì 100 nhà như vậy đã tái chế được 1.000 cái rồi. Lượng rác thải từ đó giảm đáng kể và quan trọng là người ta sẽ có ý thức hơn với vấn nạn rác thải. Đó là điều tốt lành mà ai ai cũng mong muốn.

Nhặt dây neo về bện thành võng

{keywords}
Nguyên liệu làm võng là những dây thừng, dây neo nhặt từ bãi biển

Ông Miêng kể, những ngày gió to, biển động thường có rất nhiều phao, cước tấp vô bờ, trong đó có nhiều dây neo bằng nilon.

Có những thớ dây neo rất to, dài bằng 5 sải tay người lớn. Ông Miêng và bà Hường cẩn thận gỡ ra thật nhỏ rồi chắp nối, đan lại thành những chiếc võng xinh xắn.

Chỉ trong 1 buổi là ông Miêng có thể đan xong một chiếc võng hoàn chỉnh. Đan ra thành phẩm, ông bà lại giặt sạch, lúc ấy chiếc võng có màu sáng như mới.

Ông Miêng cho hay, ông đan thành võng để dùng, nhưng sau đó được khá nhiều người hỏi mua khiến ông rất thích thú. Nếu có người hỏi mua, ông sẽ đan để bán với giá 80.000đ/chiếc.

{keywords}
Ông Miêng ngồi trên chiếc võng do chính mình làm ra và tiếp tục công việc tái chế rác

Nhận thấy hiệu quả của việc tái chế rác thải, bà con xung quanh ai cũng cảm mến vợ chồng ông Miêng, và có ý thức hơn trong việc tận dụng rác thải.

Chủ tịch UBND xã Trung Giang Trần Xuân Trường chia sẻ: “Việc gia đình ông Miêng tái chế rác hiệu quả đã tác động đến cộng đồng, khuyến khích mọi người cùng hưởng ứng, góp phần nâng cao ý thức làm sạch môi trường sống. Đây là hành động đẹp đáng được khen ngợi và noi gương theo”.

Hương Lài 

Đàn cò vạn con ở Hà Tĩnh, dân canh giữ như báu vật

Đàn cò vạn con ở Hà Tĩnh, dân canh giữ như báu vật

Cả một khu vực đầm Bù rộng hơn 2 héc ta là nơi trú ngụ của hàng vạn con cò suốt hơn 20 năm qua.