Trong vụ việc này, nguyên đơn là Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường và bị đơn là hai khách hàng của công ty, ông N. L. V (SN 1977) và bà N. L.C (SN 1983, cùng ở Hà Nội).

Theo bản án về việc tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, công Ty Vịnh Thiên Đường là chủ đầu tư Dự án khu nghỉ dưỡng có tên là “Alma” tại Khánh Hòa.

Đơn vị này đã ký với các khách hàng các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ. Theo hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ (HĐSHKN), khoản tiền mà khách hàng đã trả để mua quyền nghỉ dưỡng là khoản tiền thuê phòng, hay nói cách khác là cơ sở để khách hàng được hưởng quyền nghỉ dưỡng hàng năm.

Đồng thời, hàng năm khách hàng sẽ nộp thêm một khoản phí duy trì cơ sở nghỉ dưỡng cho công ty, tùy vào hiện trạng hoạt động của Khu nghỉ dưỡng theo từng năm. 

Anh V. đã ký với Công ty 4 HĐSHKN; chị C. đã ký 2 HĐSHKN với công ty. Phía công ty cho rằng, hai khách hàng trên đã bôi xấu, phát tán các thông tin sai sự thật về công ty trên truyền thông; kêu gọi các khách hàng khác không tiếp tục hợp đồng với công ty, vi phạm hợp đồng với công ty; tập hợp các khách hàng, cá nhân phá hoạt hoạt động kinh doanh của Công ty.

Do cùng có mục đích và động cơ với anh V. là một mực yêu cầu công ty phải chấp thuận việc chấm dứt hợp đồng nên chị C. đã phối hợp cùng anh V. gây sức ép với công ty bằng việc sử dụng mạng xã hội và truyền thông để liên tục đưa các thông tin xuyên tạc, lời lẽ bôi nhọ, xúc phạm uy tín của công ty và tập hợp nhiều người tụ tập gây rối tại văn phòng của công ty để phá hoại hoạt động kinh doanh của công ty.

Phía nguyên đơn yêu cầu tòa tuyên buộc bị đơn phải: Chấm dứt việc đăng tải, phát tán và buộc gỡ bỏ tất cả những thông tin sai sự thật về công ty; Chấm dứt việc kích động, lôi kéo, tập hợp các khách hàng của công ty vi phạm hợp đồng đã ký kết với công ty và tham gia gây rối tại Văn phòng công ty; 

Chấm dứt hành vi tổ chức, hướng dẫn và trực tiếp tham gia các vụ tụ tập gây rối công ty tại bất kỳ địa điểm nào trong hoặc ngoài phạm vi trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện và hoặc bất kỳ địa điểm kinh doanh nào của công ty. 

Bên cạnh đó bị đơn phải đăng bài xin lỗi, cải chính công khai về tất cả các thông tin, bình luận và phát biểu sai lệch của mình về công ty, về dự án của công ty và hợp đồng đã ký kết với công ty trên chính phương tiện truyền thông đã đăng tải các thông tin, bình luận và phát biểu đó…

Phản tố

Ngày 23/9/2020, chị C. có đơn phản tố. Theo đó chị cho rằng mình có “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” đã được quy định trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong nhiều luật, nghị định.

Chị C. đề nghị Toà án tuyên huỷ HĐSHKN mà công ty Vịnh Thiên Đường đã ký với chị, tuyên vô hiệu hợp đồng, trả lại tiền cho khách hàng. Chị C. cũng đề nghị Toà án chuyển hồ sơ sang Cơ quan công an để điều tra làm rõ việc Công ty Vịnh Thiên Đường lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng…

Tháng 10/2020, anh V. cũng có đơn phản tố với nội dung tương tự.

Bản án của TAND quận Hoàn Kiếm cho rằng, anh V. và chị C. đã đăng các thông tin không đúng về công ty Vịnh Thiên Đường trên các phương tiện truyền thông khi chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề đó là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Vì vậy, cả hai phải đăng bài xin lỗi, cải chính công khai về các bài đã đăng. Tòa cũng buộc anh V. và chị C. phải đăng 1 bài báo công khai xin lỗi trên báo theo quy định tại khoản 1, Điều 42 Luật Báo chí kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật...

Đối với yêu cầu phản tố của anh V. và chị C., tòa không giải quyết bởi phía tòa án đã đề nghị anh V., chị C. cung cấp tài liệu và chứng cứ đối với yêu cầu phản tố của cả hai nhưng họ đều không nộp. Vì vậy, bản án cho rằng, không có căn cứ để thụ lý yêu cầu phản tố của anh V. và chị C.

Trước đó, TAND tỉnh Khánh Hoà đã xét xử phúc thẩm vụ “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoại hợp đồng” giữa Công ty TNHH Thương mại Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (Công ty Vịnh Thiên Đường) và một luật sư.

Theo đó, toà án đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Vịnh Thiên Đường buộc luật sư xin lỗi, bởi Văn phòng luật sư đã có các công văn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng về Công ty Vịnh Thiên Đường và hoạt động kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ…

Về phần mình, vị luật sư cho hay sẽ làm đơn khiếu nại tới TAND cấp cao, TAND tối cao đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án trên.