Việt Nam thông qua Thoả thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) vào tháng 12/2018. Ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM (Kế hoạch).
Theo Quyết định số 402, Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm tập trung vào các lĩnh vực: Tuyên truyền; thu thập thông tin, dữ liệu về di cư quốc tế, hoàn thiện chính sách, pháp luật; nghiên cứu dự báo tình hình, chính sách về di cư; và hợp tác quốc tế. Bộ Ngoại giao là cơ quan điều phối triển khai Kế hoạch này.
Hội nghị hôm 9/12 nhằm mục đích rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trao đổi những vấn đề ưu tiên nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận GCM trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Bộ Ngoại giao cho hay, đối với Việt Nam, mặc dù việc triển khai thực hiện Thỏa thuận GCM diễn ra vào thời điểm hết sức khó khăn khi đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài, nhưng các bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc, khẩn trương, làm sâu sắc hơn trách nhiệm và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy triển khai Thỏa thuận GCM ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Về việc triển khai Thỏa thuận GCM cũng như giải quyết các vấn đề di cư, đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định, quan điểm của Việt Nam là luôn ủng hộ cách tiếp cận mở, bao trùm, công bằng và toàn diện về di cư cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; cần tăng cường đối tác toàn cầu để huy động nguồn lực, tập trung vào các vấn đề ưu tiên và mới nổi, đảm bảo tính chắc chắn và tính dễ dự đoán của các kênh di cư hợp pháp và an toàn; đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn đại diện IOM tại Việt Nam cho rằng, an toàn và hạnh phúc của người di cư chỉ có thể được bảo đảm một cách đầy đủ nếu như có sự hợp tác toàn diện, mạnh mẽ và tự nguyện của các bên liên quan.
Bà Park Mi-hyung đánh giá cao cam kết, quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận GCM thời gian qua, cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam tại Hội nghị rà soát Thỏa thuận GCM khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Diễn đàn rà soát di cư quốc tế lần thứ nhất (tại Mỹ từ 17 - 20/5/2022) trong nỗ lực đa phương và hợp tác quốc tế về di cư để xác định những thách thức, cơ hội và các vấn đề nổi lên liên quan đến việc triển khai Thỏa thuận GCM, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19; mong muốn hội nghị sẽ tổng kết những bài học tốt, những cách làm hay, xác định những vấn đề cần củng cố, các lĩnh vực ưu tiên để nâng cao hiệu quả triển khai thỏa thuận trong năm tiếp theo.
Hội nghị gồm 2 phiên chính, tập trung vào các nội dung: Rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM và trao đổi những phương hướng cần thúc đẩy trong thời gian tới.
Trong phiên 1 của hội nghị, đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã có bài trình bày cập nhật tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài và người nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2021-2022 và báo cáo rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai Thỏa thuận GCM của Việt Nam trong năm 2022.
Hội nghị cũng nghe đại diện một số bộ, địa phương chia sẻ về những kết quả nổi bật trong việc triển khai Thỏa thuận GCM trên các lĩnh vực như di cư lao động, cấp giấy tờ hộ tịch, quốc tịch cho người di cư, công tác hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương trở về tái hòa nhập cuộc sống, sức khỏe người di cư, công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, công tác thống kê di cư lao động, phòng, chống di cư qua các kênh không chính thức.
Trong phiên 2, đại diện IOM trao đổi kết quả Diễn đàn rà soát Thỏa thuận GCM lần thứ nhất; chia sẻ một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc thực hiện Thỏa thuận GCM.
Hội nghị cũng trao đổi thêm về những vấn đề ưu tiên cũng như các giải pháp cụ thể từ cấp Trung ương tới địa phương nhằm triển khai một cách toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ của Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM, tạo môi trường di cư an toàn, hợp pháp, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của người di cư, giúp họ phát huy vai trò và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nước đến, quê hương và chính bản thân mình.