Lời Tòa soạn: 

Nhiều bất cập trong việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đã khiến người dân bức xúc và dư luận không đồng tình. Đặc biệt ở nội dung mô phỏng trong phần thi lý thuyết hay học lái xe trên cabin điện tử.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, thanh tra bộ này đã tập trung thanh, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên cả nước. Kết quả, Thanh tra Bộ đã chuyển thông tin 6 trung tâm đào tạo lái xe cho cơ quan công an để xem xét và xử lý theo thẩm quyền.

Cũng theo thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam, năm 2022, cả nước có khoảng 1,5 triệu người học lái xe nhưng chỉ có khoảng 50% vượt qua kỳ thi sát hạch.

Xuất phát từ thực tiễn này, Báo VietNamNet tổ chức Bàn tròn trực tuyến với chủ đề: “Tháo gỡ, bất cập trong đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe” nhằm cùng các cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp cho việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thực chất, hiệu quả và thuận lợi hơn trong thời gian tới. 

Ở phần 2 Bàn tròn trực tuyến, các khách mời đề cập tới những bất cập trong việc học trên cabin điện tử, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên.

Trân trọng giới thiệu 3 khách mời tham dự Bàn tròn: 

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty Sản xuất thương mại và dịch vụ quản lý đo lường Hà Nội - một học viên vừa trải qua 3 lần thi sát hạch lái xe.

 

Nhà báo Phạm Huyền: Bên cạnh câu chuyện về mặt thời gian hay cần phân biệt theo đối tượng, theo lứa tuổi thì trong loạt bài của báo VietNamNet cũng ghi nhận tình trạng học viên học trên cabin điện tử cảm thấy chóng mặt, đau đầu. Không biết ông Việt có cảm thấy thế không?

Ông Nguyễn Tuấn Việt: Rất nhiều ý kiến cũng phàn nàn về việc sẽ bị đau đầu ở phần học này. Bởi vì phần 3D, tức là người ta nhìn vòng xoay liên tục và khi bị xoay liên tục, nhìn liên tục nhiều điểm thì sẽ bị chóng mặt. Rất nhiều người có  tuổi hoặc những người bị tiền đình sẽ bị ngay.

Nhà báo Phạm Huyền: Với những ý kiến của ông Việt và ông Quyền nêu, rõ ràng  trong quá trình học vừa qua vẫn phát sinh những vấn đề bất cập liên quan đến tâm lý, lứa tuổi và cả sức khỏe của người học lái xe, ông có ý kiến thế nào?

Ông Lương Duyên Thống: Đối với cabin điện tử áp dụng từ tháng 1/2023. Như tôi đã nói, mục đích của cabin điện tử giúp cho người học được học lái ở trên những điều kiện, địa hình, thực tế mà có thể khi tập lái xe thật không có điều kiện thực tập.

Như vậy, rất cần cabin và học trên cabin tập lái. Cái này nó cũng không mới vì tất cả các nước đã áp dụng. Các cơ sở đào tạo phi công, lái tàu biển hay là tàu hỏa, kể cả lái xe tăng cũng sử dụng các cabin mô phỏng để đào tạo nhằm giảm bớt thời gian học trên thực tế.

Về phản ánh việc học viên bị chóng mặt, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi các Sở Giao thông Vận tải đề  nghị chỉ đạo các cơ sở đào tạo về thời gian học.

Theo đó, không để học viên ngồi học 3 giờ liền một lúc trên cabin. Với thời gian ngồi liên tục, đến người khỏe hay kể cả những phi công bay vào vũ trụ cũng bị say.

Vì thế, việc học phải theo tuần tự một người học bài này xong rồi đến người khác chứ không thể ngồi 3 giờ trên đấy liên tiếp.

Về vấn đề này, chúng tôi sẽ có đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở đào tạo. Mặt khác, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có ý kiến đối với các cái nhà sản xuất để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học.

Nhà báo Phạm Huyền: Ông Quyền có ý kiến thế nào về những lý giải vừa rồi của ông Thống?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Tôi thấy có mấy ý như sau:

Thứ nhất, chúng ta có những so sánh rồi lấy những kinh nghiệm trong việc đào tạo lái máy bay, tàu thủy, đường sắt, người ta sử dụng cabin điện tử đó cho việc đào tạo để chúng ta ứng dụng sang việc là đào tạo lái xe, đó là một sự so sánh rất khập khiễng.

Khập khiễng ở chỗ, đối với các ngành kia thì không phải dễ gì có phương tiện để mà tập lái, trong khi ô tô tập lái rất phổ biến.

Thứ hai, điều kiện về sức khỏe của những người điều khiển các loại phương tiện như máy bay, tàu thủy đều được chọn lựa một cách rất kỹ lưỡng. Sức khỏe phải rất tốt thì người ta mới có thể đủ điều kiện để ngồi vào đó, còn người học lái xe thì điều kiện sức khỏe cũng có quy định, nhưng mà mức độ cũng vừa phải thôi.

Ở đây, cần có sự nghiên cứu thêm về tính phù hợp về sức khỏe cũng như cái cabin theo tiêu chuẩn như thế nào, có phù hợp hay không?.

Một số ý kiến giải trình trước đây, trong một số cuộc họp cũng nói nhiều nước đã ứng dụng cái này. Nhưng tôi được biết hình như chỉ có ở Trung Quốc vận dụng một thời gian. Trước kia tôi cũng làm quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, đi tham quan ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và một số nước thì không thấy họ ứng dụng cabin điện tử.

Thứ ba, chúng tôi muốn đề nghị rà soát lại quy chuẩn về cabin điện tử. Bởi vì có ý kiến phản ánh độ rung lắc quá lớn. Nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người học.

Hơn thế nữa phần mềm rất ảo. Ngay cả những người giáo viên rất kỳ cựu lên đó điều khiển cũng không thực hiện được, xe cũng cứ lao xuống ruộng. Tôi đã đi thực tế để xem xét và đề nghị anh em là giáo viên lên điều khiển xem như thế nào, họ đều kêu như thế.

Tóm lại, đối với phần học trên cabin điện tử, tôi đề nghị với cơ quan quản lý Nhà nước là phải rà soát lại các quy chuẩn, chi tiết cụ thể; nghiên cứu thực tế nước nào đã làm cái này thì mình cũng rút được kinh nghiệm. Và nếu như quyết tâm làm thì phải có bước đi, có lộ trình, phải thí điểm, rồi phải xây dựng giáo trình cho các bài học, phải tập huấn cho đội ngũ giáo viên...

* Phần 3: Tháng 11 sẽ sửa đổi một loạt bất cập

Tác giả: Ngô Huyền
Ảnh: Lê Anh Dũng
Video: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Huy Phúc
Thiết kế: Minh Hoà
MC: Phạm Huyền