Sau khi nghe Bộ GTVT, ý kiến của các cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu tại cuộc họp, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện dự thảo nghị định.
Trong đó, Bộ GTVT rà soát kỹ việc phân cấp cho địa phương bảo đảm nguyên tắc thống nhất công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa từ trung ương đến địa phương, tuân thủ các quy định pháp luật liên quan; không để trống pháp lý hoặc làm gián đoạn, ảnh hưởng tới hoạt động hàng hải, đường thủy nội địa.
Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy định để khuyến khích, thu hút tối đa nguồn lực xã hội, các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện công tác nạo vét và công tác quản lý vận hành luồng hàng hải, đường thủy nội địa (doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về hiệu quả tài chính, kinh tế...), cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát về quy hoạch, kế hoạch, chuẩn tắc, thông số kỹ thuật luồng, công tác bảo đảm an toàn, tài nguyên khoáng sản, môi trường.
Theo đó, dự thảo nghị định nêu rõ, nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng là dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải, nạo vét duy tu đường thủy nội địa là dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa được sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo dự thảo nghị định, Bộ GTVT giao kế hoạch nạo vét duy tu, dự toán chi ngân sách nhà nước đối với nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quốc gia.
UBND cấp tỉnh giao kế hoạch nạo vét duy tu, dự toán chi ngân sách nhà nước đối với nạo vét duy tu đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa quốc gia được phân cấp.
Đối với dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quốc gia: Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng; Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện thẩm quyền của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Đối với dự án nạo vét duy tu đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa quốc gia được phân cấp cho địa phương quản lý (đường thuỷ nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý): Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư và giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền của chủ đầu tư.
Hình thức thực hiện:
Theo dự thảo, hình thức nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa sử dụng nguồn ngân sách nhà nước gồm nạo vét theo khối lượng thực tế và nạo vét theo chất lượng thực hiện.
Bộ GTVT quyết định hình thức thực hiện nạo vét duy tu đối với luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quốc gia; quy định chi tiết về nạo vét theo chất lượng thực hiện, nạo vét khẩn cấp.
UBND cấp tỉnh quyết định hình thức thực hiện nạo vét duy tu đối với đường thủy nội địa do UBND cấp tỉnh quản lý.
Dự thảo nghị định nêu rõ, dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa sử dụng nguồn ngân sách nhà nước chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và thực hiện theo các bước sau: Lập kế hoạch nạo vét duy tu; Giao dự toán chi ngân sách nhà nước; Thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định; Lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; Tổ chức lựa chọn nhà thầu; Bàn giao mặt bằng, tổ chức kiểm tra, giám sát và quản lý thi công công trình; Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình; Thực hiện các quy định về quản lý chất nạo vét.
Bộ GTVT tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quốc gia do Bộ GTVT quản lý trong kế hoạch bảo trì hằng năm.
UBND tỉnh tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch nạo vét duy tu đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý trong kế hoạch bảo trì hằng năm.
Dự thảo nêu rõ, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lập dự toán chi ngân sách nhà nước trình Bộ GTVTi tổng hợp dự toán chi ngân sách nhà nước theo quy định.
Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được giao, Bộ GTVT giao dự toán chi ngân sách nhà nước cho Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
UBND tỉnh tổ chức giao dự toán chi cho các dự án nạo vét duy tu đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.
Việc giao dự toán chi các dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa căn cứ trên cơ sở kế hoạch bảo trì công trình hàng hải, đường thủy nội địa được duyệt, không bắt buộc phải có Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.