Trước khi bắt tay xây dựng bộ tiểu thuyết khổng lồ Những người khốn khổ, Victor Hugo đã từng mơ ước viết được một cuốn sách như của Eugène Sue.
Cùng lấy nguyên mẫu từ Vidocq, một gã tù khổ sai về sau trở thành một người phục vụ trong bộ máy công quyền, thực thi công lý, Hugo chuyển hoá thành Giăng van Giăng, Eugène Sue biến thành Rodolphe, những hình tượng lãng mạn theo hướng chủ nghĩa xã hội không tưởng ở thế kỷ 19. Cả hai nhân vật đều hấp dẫn như nhau.
Ra mắt cuốn tiểu thuyết từng để Victor Hugo phải 'ngả mũ' |
Ở đó, theo nhà nghiên cứu văn học Trần Hinh, một cuốn tiểu thuyết của một nhà văn không phải ai cũng biết, không nổi tiếng ở Việt Nam, lại khiến cho Victor Hugo bái phục, ấp ủ để có thể viết được một tác phẩm như thế, chắc chắn phải có lý do.
Bí mật thành Paris được xuất bản trong khoảng thời gian từ ngày 9/6/1842 đến ngày 15/10/1843, trên tờ Le Journal des Débats. Ở thời điểm những tập đầu tiên được xuất bản trên báo, Eugène Sue, lúc đó 38 tuổi, đã có những sáng tác ở các thể loại truyện phiêu lưu hàng hải, tiểu thuyết tình cảm nhưng không mấy thành công.
Cuốn sách ra đời đã tạo một tiếng vang lớn và trở thành hiện tượng văn học độc đáo. Cũng từ đây khái niệm "serie", sau này thịnh hành trên các đài phát thanh, phim truyền hình, ra đời, góp phần đưa thể loại feuilleton phát triển đến đỉnh cao.
Nhà văn Eugène Sue. |
Feuilleton là một khái niệm sinh ra từ báo chí của Pháp vào những năm giữa thế kỷ 19. Nó có thể là tiểu phẩm, đoạn văn, tiểu thuyết… được đăng dài kỳ trên các tờ báo. Theo nhà nghiên cứu Trần Hinh, ở Pháp, feuilleton hình thành và được coi là đặc sản của báo chí và là một thể loại văn chương Pháp ở thế kỷ 19.
Đây là sản phẩm của thời hiện đại, khi mà tầng lớp thị dân, giai cấp tư sản phát triển, nhu cầu cập nhật thông tin thông qua báo chí là chủ yếu. Lịch sử đầy biến động trong suốt thế kỷ 19 ở Pháp trở thành đối tượng hấp dẫn với các nhà hoạt động báo chí, là nguồn nuôi dưỡng văn chương.
Để thỏa mãn nhu cầu của bạn đọc, báo chí phải tạo ra một hình thức vừa đáp ứng được yếu tố thời sự, cập nhật sự kiện nhưng vẫn có thể tạo sức cuốn hút. Feuilleton ra đời, viết về các vấn đề nóng hổi của xã hội, tạo ra sức hấp dẫn, sự phong phú thể loại cho mỗi tờ báo.
Không những thế, Bí mật thành Paris bên cạnh việc được hoàn thiện từ từng lát cắt đăng trên báo mà tác giả của nó viết mỗi ngày theo cảm hứng. Trong suốt series truyện hấp dẫn này cũng sẽ không có chuyện "spoil" (chỉ việc tiết lộ các tình tiết và nội dung quan trọng), chính tác giả cũng không biết các nhân vật của mình sẽ ra sao. Tác phẩm ra đời và trở thành cuốn sách bán chạy nhất của Pháp ở thế kỷ 19.
Chia sẻ về cuốn sách, PGS.TS Nguyễn Văn Dân cho biết trước Eugène Sue, Hugo, Balzac hay Dumas đều đã có các tác phẩm đăng dài kỳ trên báo nhưng chưa thành công. Phải đến Eugène Sue với Bí mật thành Paris mới thực sự thu hút và đạt đến đỉnh cao sự phát triển của thể loại này. Từ đây đánh dấu sự hình thành và phát triển của văn chương đại chúng.
Bí mật thành Paris. |
Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu khá giả, Eugène Sue được xem là một phần của thế hệ thanh niên vàng của Paris ở thời điểm đó. Ngay từ đầu nhà văn không phải muốn viết về quần chúng lao động.
Ông từng phản bác với người bạn của mình khi nhận được lời khuyên viết về những con người bình thường: "Tôi không viết về những điều bẩn thỉu, xấu xa". Thế nhưng, những chuyến thâm nhập vào thực tế, chứng kiến cuộc sống bần cùng của những người ở dưới đáy xã hội, Sue đã thay đổi quan điểm. Đó lại chính là nguồn cảm hứng để tác giả viết nên tác phẩm.
Sức hấp dẫn của Bí mật thành Paris nằm ở việc lột tả được một cách đầy đủ tất cả những khía cạnh cuộc sống của người dân ở tầng lớp dưới đáy xã hội. Không chỉ là một cuốn tiểu thuyết dài kỳ khiến hàng trăm nghìn độc giả phải hồi hộp trong hơn một năm, cuốn sách được xem là một minh chứng cho cuộc sống của người Paris và sự khốn cùng của thế kỷ 19.
Tình Lê
Những cuốn sách vun đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho người trẻ
Suốt đời học Bác, Nhật ký trong tù, Cha và con, Búp sen xanh, Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh… những cuốn sách giúp độc giả trẻ hiểu về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.