Sáng 16/12, tại Bảo tàng Phòng không - Không quân, Nhà xuất bản Trẻ kết hợp với Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Đức Soát ra mắt cuốn sách Nhật ký phi công tiêm kích.

Tôn trọng lịch sử những năm tháng hào hùng

Nhật ký là những suy nghĩ riêng tư, là sự trải lòng trước diễn biến của thời cuộc của cậu học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, của một học viên chập chững bay trên không trung, của một phi công mới được đi canh trời còn đầy bỡ ngỡ. 

{keywords}
Trung tướng Nguyễn Đức Soát giao lưu tại buổi ra mắt sách. 

Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ, ông bắt đầu viết nhật ký vào ngày 20/3/1966, sau khi sang Liên Xô được 8 tháng. Ông viết đều từ khi học bay đến khi về nước tham gia chiến đấu và ngừng lại ở ngày 31/12/1972, một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.

"Tôi cho in 85% nhật ký cá nhân. Bớt đi một số trang vì lặp lại thôi chứ tất cả nhật ký những ngày đánh nhau không bỏ ngày nào. Tôi viết thế nào cho in như thế, không điều chỉnh gì cả. Mình tôn trọng sự thật, đừng biến nhật ký thành hồi ký mà nó hỏng đi mất. Cách viết của anh học sinh 21, 22 tuổi khác lắm, chẳng hạn năm 1969 lần đầu tiên bắn rơi máy bay không người lái, tôi lâng lâng với niềm vui rất trẻ con nên nghĩ sao viết vậy.

Để đảm bảo an toàn hơn nữa, tôi còn gửi bản thảo tới Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Tư lệnh để xem xét và nhận được phản hồi rất tốt. Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị đã viết lời tựa cho cuốn sách. Dự định ra mắt hồi tháng 5 nhưng vướng Covid-19, tôi thêm một lần nữa nhờ bạn bè, anh em góp ý. Và để người đọc dễ theo dõi, bên cạnh những trang nhật ký năm xưa, tôi viết thêm những dòng giới thiệu rõ bối cảnh (in nghiêng). Vì thế, Nhật ký phi công tiêm kích được làm ra một cách nghiêm cẩn, đảm bảo tôn trọng sự thật", Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ. 

Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ của Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc; thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kỹ thuật bay để được tham gia chiến đấu; thấy được cả những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp của cả một lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường phổ thông, giảng đường đại học…

Ở "mặt trận trên không", hiên ngang đối đầu với những cỗ máy chiến tranh tối tân, hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ là một mốc son chói lọi của Không quân nhân dân Việt Nam thời kỳ đầu non trẻ. 

Trang sử vàng có bóng hình đồng đội

Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ, ở Nhật ký phi công tiêm kích ông viết về mình ít mà dành phần lớn để viết về bạn bè - những người cùng mình vào sống ra chết. Ông bảo, như thế là để tri ân những cán bộ chỉ huy tài ba dìu dắt ông trong chiến tranh, tri ân những người làm công tác kỹ thuật bởi lẽ đặc điểm của không quân là hơn 30 người từ cán bộ chỉ huy, tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, thợ máy tập trung lo cho một phi công để có thể bay lên trời chiến đấu.

{keywords}
Qua cuốn sách, bạn đọc sẽ thấy tinh thần, khí phách của một thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến đấu khốc liệt, không cân sức với Không quân Mỹ hùng mạnh.

"Một trong những điều tôi luôn tự hào là được sinh ra lớn lên trong giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước. Trong đó giai đoạn 10 năm xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc 1955-1965 thực sự đào tạo ra lớp học sinh sinh viên tuyệt vời, thể hiện rất rõ tình yêu đất nước, tình cảm cách mạng, ý thức công dân trước vận mệnh của đất nước. Tôi không rõ bộ binh và các đơn vị khác thế nào nhưng tất cả đồng đội không quân của tôi tham gia chiến đấu, hy sinh gian khổ là thế nhưng không ai chùn bước", Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ. 

Từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới ở tuổi 27.

Chuyện của một người nhưng đọc lên sẽ thấy tinh thần, khí phách của một thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến đấu khốc liệt, không cân sức với Không quân Mỹ hùng mạnh; thấy được những chiến công oanh liệt cũng như tổn thất không gì bù đắp nổi của chiến tranh; thấy được cuộc sống, tình bạn, tình yêu, tình đồng chí thật đẹp…

"Trong cuốn sách này không chỉ thuần những dòng nhật ký của tác giả. Để bạn đọc tiếp cận văn bản thuận tiện hơn, tác giả đã viết thêm những dẫn nhập bối cảnh sự kiện, tương quan lực lượng ta - địch, số phận những nhân vật chính trong nhật ký, những hồi ức và những chiêm nghiệm khi đã có độ lùi lịch sử - ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong trắng, tận hiến tự nhiên, ý thức cho Tổ quốc, nhân dân, Đảng và quân đội, vượt lên mọi thử thách khắc nghiệt, mọi khổ đau và mất mát để đi đến ngày chiến thắng", nhà thơ Hữu Việt chia sẻ.

Tình Lê

Nhà thơ Lữ Mai ra mắt trường ca về người lính

Nhà thơ Lữ Mai ra mắt trường ca về người lính

'Ngang qua bình minh' là tác phẩm viết về biển đảo với hình tượng người thủy thủ - chiến sĩ hải quân trên những con tàu làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc.